Ngân hàng trung ương: ngân hàng 0 đồng
Hồi những năm 2014-2015, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện khái niệm ngân hàng 0 đồng. Tên gọi này là do báo chí gọi những ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém bị lỗ âm vốn, nên Ngân hàng nhà nước (NHNN) áp dụng các biện pháp tái cơ cấu bằng cách mua lại với giá 0 đồng. Thực ra các ngân hàng này cũng không hẳn là 0 đồng, vì để xử lý chúng, NHNN phải bỏ thêm tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn, bù lỗ, rồi mới có thể tái cơ cấu lại được.
Nhưng xét ra về bản chất, mấy ông ngân hàng trung ương (NHTW) mới thực sự là ngân hàng 0 đồng. Bởi vì NHTW được lập ra từ hư không và họ phát hành tiền cũng từ hư không.
Do lịch sử xã hội loài người là 1 quá trình phát triển khá dài, từ nguyên thuỷ đến hiện đại, từ đơn sơ đến phức tạp, nên quá trình hình thành các thiết chế xã hội, kinh tế, tài chính nó được nối tiếp và đan xen nhau phức tạp, làm cho lu mờ đi những bản chất gốc rễ của các thiết chế đó. Như là nguồn gốc nhà nước, nguồn gốc quốc gia, nguồn gốc tiền tệ, nguồn gốc NHTW... Nó giống như là tàng tích "sự thật" bị lãng quên sau nhiều năm và bị che lấp bởi lớp lớp rừng cây rậm rạp, muốn thấy được tàng tích đó, phải băng qua cả khu rừng.
Quay lại vấn đề bản chất của NHTW, vì sao nó là ngân hàng 0 đồng, và nó phát hành tiền từ hư không, chúng ta phải tưởng tượng bằng cách "reset" lại toàn bộ nền kinh tế tài chính về điểm khởi phát, sau đó đi dần từng bước qua các giao dịch kinh tế giữa các đối tượng trong nền kinh tế. Từ đó sẽ hiểu được mọi thứ một cách rõ ràng.
Tưởng tượng Elon Musk thành công đưa một nhóm người lên Sao Hoả định cư, bắt đầu cuộc sống mới trên hành tinh này và hoàn toàn tách biệt với các hoạt động đời sống xã hội trên Trái đất. Trên Sao Hoả có môi trường sống, tài nguyên và điều kiện hoàn toàn lý tưởng y như ở Trái đất. Nghĩa là trên Sao Hoả lúc này chỉ có 1 nhóm người và các tài nguyên thiên nhiên sẵn có.
Lúc này, nhóm người phải tự nuôi sống bằng các hình thức săn bắt hái lượm, rồi kế tiếp có thể họ sẽ trồng trọt và chăn nuôi. Sau đó họ sẽ có nhu cầu trao đổi hàng hoá với nhau, ban đầu họ sẽ dùng hàng trao đổi hàng, người trồng táo sẽ đổi táo với người nuôi bò để lấy thịt, sữa, và cứ thế trao đổi lẫn nhau. Xã hội mới sẽ gia tăng quy mô và nhu cầu ngày càng đa dạng. Rồi họ sẽ đề nghị lập ra một chính phủ để quản lý xã hội. Rồi để trao đổi hàng hoá dễ dàng, họ phải chọn 1 thứ để làm trung gian trao đổi giá trị với nhau, thế là họ đề nghị in ra tiền. Chính phủ của họ sẽ lập ra 1 cơ quan gọi là NHTW để quản lý việc in và phát hành tiền.
Khởi đầu, NHTW sẽ in ra một lượng tiền giấy, ví dụ số lượng tiền giấy sẽ là 1000$. Tiền giấy này do NHTW phát hành ra. nên nó là khoản nợ của NHTW đối với bất kỳ ai nắm giữ những tờ tiền đó. Bảng cân đối của NHTW sẽ như hình 1.
Lúc này tiền vẫn còn trong két của NHTW và chưa được đưa ra lưu thông. Do đó 2 bên bảng cân đối, mỗi bên sẽ là 1000$ đối ứng. Nếu NHTW tiêu huỷ số tiền giấy này, thì sẽ xoá 1000$ tiền giấy ở bên Tài sản và cũng sẽ xoá 1000$ phát hành tiền bên Nợ, như vậy bảng cân đối của NHTW lại về con số 0. Do đó, bản chất của NHTW là 0 đồng, không có gì cả. Còn khi NHTW in và phát thành tiền, thì 2 bên bảng cân đối sẽ tăng lên số tiền đã phát hành tương ứng. Đây là lí giải cho chỗ NHTW là 0 đồng và họ phát hành tiền từ hư không.
Vậy tiền sẽ được đưa ra nền kinh tế và phát huy vai trò trung gian trao đổi giá trị như thế nào? Ta sẽ lấy cơ chế của FED đang áp dụng làm ví dụ. Để có ngân sách cho Chính phủ (CP) chi tiêu, CP sẽ phát hành ra 1 lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) trị giá 1000$ và bán nó cho NHTW để đổi lấy 1000$ tiền giấy. Do vậy nên mới có cơ chế là CP phát hành bao nhiêu TPCP, thì NHTW mới được phép in và phát hành ra tương ứng bấy nhiêu tiền.
Bảng cân đối của NHTW và Ngân sách CP sẽ như hình 2A và 2B.
CP sẽ dùng 1000$ tiền giấy này để chi tiêu cho các hoạt động đầu tư công. Tiền giấy sẽ được chi trả cho các cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế, gọi chung là KH1. Khi nhận được tiền chi trả từ CP, KH1 gửi hết số tiền giấy này vào NHTM1. Bảng cân đối lúc này của NHTM1 sẽ như hình 3A.
Vì quy định của hệ thống ngân hàng bắt buộc khi nhận được tiền gửi từ KH, NHTM phải chuyển 10% số tiền này về NHTW ký gửi (100$), gọi là dự trữ bắt buộc, và 10% này gọi là tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Số tiền 90% còn lại (900$), NHTM1 được tuỳ ý sử dụng để cho vay, và NHTM1 đã cho KH2 vay toàn bộ số tiền này. KH2 dùng 900$ vay được thanh toán cho KH3, KH3 lại tiếp tục mang 900$ này gửi vào NHTM1, như vậy NHTM1 lại tiếp tục phải gửi DTBB 10% trên số tiền gửi 900$ của KH3. Bảng cân đối của NHTM1 sẽ như hình 3B và NHTW sẽ như hình 3C.
Dựa trên tiền gửi của KH3, NHTM1 đã gửi DTBB 90$ và tiếp tục cho vay KH4 810$. KH4 dùng 810$ này thanh toán cho KH5 và KH5 lại tiếp tục gửi vào NHTM1. Chu trình này cứ tiếp tục tiếp diễn với số tiền gửi kế tiếp giảm dần theo tỷ lệ 10%. Quá trình này gọi là khả năng tạo tiền của hệ thống NHTM vào số tiền tối đa được tạo ra sẽ là M2 = M1/r (với M1 là số tiền gửi vào ban đầu và r là tỷ lệ DTBB). Bảng cân đối của NHTM1 và NHTM sẽ như hình 4A và 4B.
Toàn bộ quá trình này, chúng ta thấy rằng NHTW bản chất không có đồng nào cả. Và họ phát hành 1000$ tiền giấy ban đầu cũng bằng cách in nó ra từ... giấy. Mấu chốt cho toàn bộ quá trình này là tính pháp định. Tức là giá trị sử dụng của tiền và toàn bộ cơ chế phát hành này được hình thành là nhờ vào nhà nước quy định và đứng ra bảo chứng. Do đó, tiền phát hành theo hình thức này còn gọi là tiền pháp định.
Ngoài ra, còn có tiền phát hành theo cơ chế bản vị vàng (tiền phát hành được bảo chứng bằng vàng). Tương tự, đồng crypto USDT được phát hành và bảo chứng bằng danh mục tài sản gồm USD, Bitcoin...
Từ cơ chế phát hành tiền pháp định này, sẽ tạo ra khá nhiều hệ quả như là lãi suất, tỷ giá, lạm phát, thâm hụt ngân sách,... Trong cơ chế trên, ngoài NHTW là 0 đồng ra, chúng ta thấy rằng NHTM cũng là những tổ chức 0 đồng và chính hệ thống NHTM thông qua cơ chế nhận gửi/cho vay, đã biến từ 1000$ tiền giấy ban đầu thành 10.000$ tiền cho nền kinh tế. Điều thú vị là... pháp luật nhà nước cho phép họ được làm như thế. Một đặc quyền mà pháp luật trao cho tư nhân, các ông chủ ngân hàng.
Ví dụ như FED, Cục dự trữ liên bang Mỹ, tuy đóng vai trò là NHTW của nước Mỹ, nhưng bản chất FED được thành lập bởi 12 ngân hàng dự trữ liên bang, đặt trụ sở tại 12 thành phố khắp nước Mỹ. Và 12 ngân hàng dự trữ liên bang này được sở hữu bởi các ngân hàng thành viên là các ngân hàng tư nhân. Và luật pháp cũng cho phép FED được quyền hoạt động và đưa ra các chính sách độc lập với chính phủ Mỹ. Và có rất nhiều thuyết âm mưu nói về giới tài phiệt tài chính mới thực sự là ông chủ thao túng toàn bộ nền kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét