Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Tu đến mức nào thì giác ngộ?

Một câu chuyện về Phật giáo vô cùng phổ biến mà có lẽ bất kỳ ai học Phật cũng đều được nghe qua đó là chuyện bàn về Đức Phật tu khổ hạnh dưới gốc cây bao năm mà vẫn chưa ngộ đạo. Đến cảnh thập tử nhất sinh, Đức Phật mới thấy rằng con đường tu khổ hạnh thế này chẳng thể nào giải thoát được. Rồi ông từ bỏ phép tu khổ hạnh, trở lại ăn uống bình thường. Sau đó ông đến ngồi dưới gốc cây bồ đề tiếp tục suy ngẫm và lập thề nguyện, cho dù thịt nát xương tan, nếu chưa giác ngộ, ông sẽ không bao giờ rời khỏi gốc cây. Nhưng lần ngồi suy ngẫm này khác trước, ông chỉ thiền định và tập trung suy ngẫm về con đường giải thoát chứ không tu khổ hạnh, đẩy thân xác đến sự ức chế cao độ nữa. Sau 49 ngày nhập định, cuối cùng Đức Phật cũng đã đạt được cảnh giới giác ngộ.

Cứ mỗi lần suy ngẫm về câu chuyện trên, trong đầu mình lại nảy sinh 2 câu hỏi thường trực. Tu như thế nào mới là đúng, thế nào là sai? Tu đến thế nào mới gọi là giác ngộ? Ví như chuyện luyện công phu võ thuật, còn biết luyện đúng sẽ phát huy công lực, luyện sai sẽ dẫn tới tẩu hoả nhập ma. Đạt cảnh giới tối thượng thì thấy được tay không chém sắt như chém bùn, còn không đạt thì đánh thấy hình không thấy sức. Thế thì đối với việc tu hành, thế nào mới là phải đây?

Nhớ có lần đọc quyển Vô Môn Quan của thiền sư Vô Môn do Vũ Thế Ngọc dịch và chú giải. (Phải giới thiệu rõ tên tác phẩm, tác giả và người dịch là bởi vì kinh sách Phật giáo bình thường đọc thôi đã hiểu mỗi người mỗi ý. Còn đây lại là tác phẩm viết từ thế kỷ XIII, thêm qua dịch âm và dịch nghĩa của người khác, nên càng dễ mỗi người mỗi ý hiểu lệch nhau). Trong đó có đoạn kể về chuyện vấn đáp của các thiền sư cho câu hỏi Tây Lai Ý (Như hà Tổ sư Tây Lai Ý - Ý chỉ của Bồ Đề Đạt Ma Tổ sư khi bỏ Tây Trúc qua Đông Độ là gì?)

"Hoài Nhượng đã hỏi Huệ An Quốc sư và bị hỏi lại: Ý của anh là gì?
Ngưỡng Sơn hỏi và Quy Sơn trả lời: Cái lồng đèn đẹp quá.
Triệu Châu trả lời: Cây tùng ở trước sân.
Thạch Đầu Hi Thiên trả lời: Hãy hỏi cây cột đá.
Đại Mai khẳng định: Chẳng có ý mẹ gì hết.
Báo Minh Đạo Thành từ khước: Ta chưa từng đến Tây Thiên.
Thuỷ Lão hỏi Mã Tổ bị đạp cho một đạp.
Huyền Sa hỏi Tuyết Phong, Tuyết Phong lay hàng dậu
..." (Trích theo sách)

Hay như điển tích sư Nam Tuyền chém mèo. Nhân chuyện tăng chúng tranh nhau con mèo, sư Nam Tuyền mới giơ con mèo lên mà nói: các ông nói được thì tha, không nói được thì chém. Chẳng ai biết nói gì, thế là sư chém mèo.

Hay khi hỏi Phật là gì? Động Sơn thì nói là ba cân mè. Vân Môn thì bảo que cứt khô.

Theo như Vũ Thế Ngọc luận bàn, thì trong suốt quá trình tu tập của các thiền sư, chính những lúc cao trào, có sự đối đáp hay có những hành động kỳ hoặc như thế này; trong Thiền Tông gọi là trạng thái "Dương hạ nhất chi niệm" (trả lời lập tức từ một niệm, từ trực giác) và cách đối đáp đó gọi là "Cơ phong vấn đáp"; thì đó lại là lúc các bậc thiền sư chứng ngộ hay được khai ngộ. Như là điểm bức phá, giải thoát khỏi những mối nghi hoặc, đưa các thiền sư đạt được cảnh giới đại giác đại ngộ.

Đọc các điển tích của Thiền Tông, cảm giác như rằng các thiền sư đang trào lộng với Phật Pháp, dở khùng dở điên vậy. Thế thì dựa vào đâu để xác định hay giải thích được là ông nào đã ngộ thật sự, đạt được cảnh giới li tướng, li pháp, tâm không trụ chấp. Hay ông nào đang bị... tâm thần, tự trào tự lộng, tự huyễn hoặc hay tự ám thị là mình đã ngộ rồi hành động càn quấy, nói quàng nói xiêng?

Cũng đã có nhiều người đặt câu hỏi này từ xưa đến nay. Kể cả trong điển tích, cũng đã có người hỏi trực tiếp các bậc thiền sư. Nhưng câu trả lời cũng vẫn là những hành động hay phát ngôn kỳ hoặc. "Hiểu là hiểu liền, chẳng phải giải thích dài dòng". Hay như Lão Tử có nói: "Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh". Chẳng thể nào dùng ngôn ngữ hữu hạn để diễn đạt cái cảnh giới vô hạn được.

Ensō - Zen Circle - Vòng Thiền
Xét theo chủ nghĩa duy lý của phương Tây, thì quan niệm rằng bất kỳ việc gì cũng có thể soi xét dưới góc độ lý tính và giải thích bằng logic được. Điều đó có nghĩa là những giáo lý Phật pháp, tất cả cũng đều có thể lý giải. Chứ không thể mơ mơ hồ hồi, bảo ngộ đạo là cái cảnh giới bất khả tư nghị (Không thể bàn luận rốt ráo). Nhưng quả thật là kể từ khi văn minh phương Tây tiếp xúc với Phật pháp đến nay cũng đã vài trăm năm. Các học giải phương Tây đã học thiền chứ cũng chưa ai giải thích được cảnh giới của thiền một cách rốt ráo.

Là một kẻ mới bắt đầu tham học, chỉ vì hứng thú bới tính triết học trong giáo lý nhà Phật, không phải là người thấu hiểu hay ngộ đạo. Chỉ có điều bản thân thấy rằng mặc dù cảnh giới ngộ là không diễn giải được bằng ngôn từ, nhưng rõ ràng các thiền sư chẳng phải những thằng điên, vì các hành động và lời nói của họ đều có chủ đích và chứa đầy tính triết lý. Nên mình cho rằng cảnh giới ngộ, hay cách tu để ngộ thì không diễn giải hay chỉ dẫn bằng lời được. Nhưng người tu học có thể trải nghiệm được cảnh giới ngộ nếu có sự chỉ dẫn và khai ngộ bởi những bậc cao minh khi họ giúp mình phá bỏ các mối nghi hoặc.

Suy nghĩ này có được là vì bản thân mình khi tham học ban đầu cũng có nhiều nghi hoặc, nhưng mỗi khi đọc hay hiểu được những lý lẽ mới, dần dần mình cũng đã xoá bỏ bớt khá nhiều nghi hoặc. Cho nên hiểu rằng cảnh giới ngộ nó giống như sự trống không khi không còn những nghi hoặc nữa. Như lời giảng của Lục tổ Huệ Năng, mỗi khi có người đến tham vấn ông thường nói: trong lòng ông còn mối nghi gì thì cứ nói ra, ta sẽ phá nghi cho ông.

Mà nói đơn giản cứ xoá bỏ nghi hoặc như thế là xong. Chứ thực hiện thì chẳng phải dễ dàng. Vì bản thân thấy cứ xoá cái này rồi lại thêm các khác. Lòng vẫn đầy nghi hoặc. Mình cũng chẳng mong hay cầu đạt được giác ngộ. Bởi tâm vẫn còn chưa tỏ, bản tính vẫn còn nhiều sân si, cũng chẳng đủ sáng suốt để mà thấu hiểu hết những lời của Phật. Chỉ mong viết ra những lời này để chia sẻ suy nghĩ cùng bè bạn. Sẵn lưu trữ đó, đôi lúc rảnh rỗi lấy ra đọc, biết đâu khi đó may mắn thấy được mối nghi của mình chỗ nào để mà tự phá bỏ. Hay khi giải trừ được mối nghi rồi, lấy ra đọc lại để tự răng dạy lấy bản thân./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét