Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Nhìn lại thanh khoản 13 năm qua của TTCK Việt Nam

Tính đến thời điểm những ngày cuối năm 2013 này, TTCK VN đã đi vào hoạt động được gần 13 năm. Trong 13 năm qua, giai đoạn những năm 2006-2008 được xem là thời kỳ phát triển sôi nổi nhất của thị trường. Thời điểm đó, hai từ "chứng khoán" có lẽ được nhắc nhiều nhất trong nền kinh tế, cũng giống như hai từ "khủng hoảng" được nhắc đi nhắc lại trong suốt thời gian gần đây.

Nhiều người có cảm giác hay suy nghĩ rằng thời kỳ những năm 2006-2008 mới là thời kỳ hưng thịnh của chứng khoán. Còn giai đoạn hiện nay là thời kỳ thoái trào. Để có cái nhìn chuẩn xác hơn về vấn đề này, tôi đã thống kê lại lịch sử giao dịch và niêm yết của TTCK VN trong 13 năm hoạt động. Hi vọng là mang lại một cái nhìn toàn cảnh hơn cho mọi người.

Toàn bộ dữ liệu được thống kê ở đây đều là của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) được cung cấp tại website www.hsx.vn, tức chỉ số VNINDEX. Tôi không thống kê HNXINDEX vì VNINDEX được xem là chỉ số đại diện cho TTCK VN và có lịch sử giao dịch lâu dài hơn. Cho nên trong khuôn khổ bài viết này, TTCK VN sẽ được hiểu là thị trường giao dịch chứng khoán tại HOSE. Các chứng khoán được thống kê chỉ có cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, không bao gồm trái phiếu.

Biểu đồ thứ nhất là dữ liệu giao dịch tại HOSE:


Qua biểu đồ này, có thể thấy rằng thanh khoản của thị trường gần như tăng liên tục qua các năm. Giai đoạn 2008-2009 là tăng mạnh mẽ nhất. Và năm có KLGD đạt cao nhất trong lịch sử 13 năm của VNINDEX là năm 2013. Giai đoạn từ năm 2005-2007 là giai đoạn nóng nhất của thị trường, nhưng tổng KLGD của 3 năm này cộng lại cũng chưa bằng 1/5 KLGD của năm 2013.

Nhưng dựa vào KLGD thì vẫn chưa đánh giá đúng mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường. Mà cần phải so sánh thêm tỉ lệ giữa KLGD và quy mô niêm yết của từng năm. Vì nếu KLGD tăng nhưng số lượng chứng khoán niêm yết lại tăng nhanh hơn thì cho thấy mức độ hoạt động của thị trường thực ra lại còn kém sôi nổi hơn. Điều này cũng giống như so sánh một cửa hàng có 100 quả táo, mỗi ngày bán được 50 quả với một cửa hàng có 1000 quả táo, mỗi ngày bán được 100 quả vậy. Thì rõ ràng cửa hàng đầu có hiệu quả hoạt động tốt hơn.

Để thấy được mối tương quan trên, chúng ta sẽ xem tiếp biểu đồ thứ hai: Khối lượng niêm yết và Tỷ trọng KLGD trên KLNY bình quân qua các năm.


Qua biểu đồ này, ta thấy rằng KLNY tăng khá là đều đặn qua các năm. Và xét về tỷ trọng KLGD/KLNYBQ cho thấy tỷ trọng của các năm 2006-2008 là cao hơn tỷ trọng của các năm 2011-2013. Điều đó nói lên rằng mặc dù KLGD ở các năm 2011-2013 là cao nhất trong lịch sử thị trường, nhưng cùng với một KLNY tăng cao tương ứng thì cho thấy mức độ sôi nổi của thị trường ở giai đoạn này vẫn kém hơn giai đoạn 2006-2008. Điều thú vị là tỷ trọng này ở năm 2009 và 2010 lại tăng vọt khá cao, trong khi đây lại là giai đoạn gần như thoái trào của TTCK VN. Mức độ hoạt động mạnh tại giai đoạn này có thể được lý giải do các nhà đầu tư bán mạnh để tháo chạy khỏi cuộc khủng hoảng.

Một điều đáng lưu ý là trong giai đoạn tăng trưởng nóng của thị trường, KLNY chủ yếu được gia tăng từ quá trình niêm yết mới. Nhưng giai đoạn suy thoái và hậu suy thoái, từ năm 2010-2013, KLNY chủ yếu lại được gia tăng nhờ vào quá trình niêm yết bổ sung. Tôi cho rằng nguyên nhân của việc này là do trong giai đoạn suy thoái, các doanh nghiệp niêm yết thiếu hụt nguồn vốn, nên thay vì chia cổ tức bằng tiền cho các cổ đông, họ thực hiện cổ phần hoá các khoản lợi nhuận chưa phân phối của các năm trước đó bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng, cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu. Điều này làm cho quy mô của các doanh nghiệp thì phình to ra, nhưng dòng tiền thực sự thì lại không có.

Thêm một điểm nữa là từ năm 2009, bắt đầu xuất hiện trường hợp huỷ niêm yết. Một phần trong các chứng khoán bị huỷ niêm yết này là từ các chứng chỉ quỹ đã hết thời gian hoạt động, phần còn lại chiếm số lượng lớn hơn đó là các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ bắt buộc phải huỷ niêm yết. Đến hiện tại, năm 2013 là năm có số lượng chứng khoán bị huỷ niêm yết cao nhất, và dự báo rằng trong vài năm tới con số này sẽ không dừng lại ở đó.

Biểu đố thứ ba: Giá trị giao dịch và Giá giao dịch bình quân/1 chứng khoán qua các năm.


Để thấy rõ hơn tính thanh khoản, ngoài KLGD ra, ta cần phải đánh giá thêm GTGD của thị trường. Tuy giai đoạn 2012-2013 có KLGD cao nhất trong lịch sử, nhưng xét thêm về GTGD và Giá giao dịch bình quân của mỗi CK, thì giai đoạn 2006-2010 mới thực sự là giai đoạn sôi nổi nhất của thị trường. Cùng một món hàng, thị trường có giá trị giao dịch cao rõ ràng là hoạt động sối nổi hơn thị trường có giá trị giao dịch thấp. Và sự sụt giảm giá trị giao dịch từ năm 2009 trở về sau cũng phù hợp với nhận định có sự tháo chạy của dòng vốn ra khỏi thị trường.

Qua những biểu đồ và nhận định ở trên, hi vọng rằng sẽ đem đến cho mọi người nhiều góc nhìn mới về quá trình hoạt động và phát triển trong 13 năm qua của TTCK VN. Tôi chỉ có một điều hơi boăn khoăn trong bài viết này là tuy các số liệu đều được tổng hợp từ website của HOSE, nhưng trong quá trình xử lý, tôi thấy các số liệu do HOSE cung cấp có vài bất cập. Như việc thống kê số lượng chứng khoán niêm yết. Sau khi cộng trừ các con số, tôi phát hiện rằng con số tổng khối lượng niêm yết hiện tại mà tôi tính được lại không trùng với con số tổng hiện đang được công bố trên website của HOSE. Thêm một điểm nữa là từ năm 2004 trở về trước, tôi không thấy có bất kỳ chứng chỉ quỹ nào được niêm yết, nhưng trong thống kê giao dịch, thì năm 2004 lại có giao dịch của chứng chỉ quỹ. Sự bất cập này tôi vẫn chưa biết vì sao, chắc phải tìm sự giải thích từ HOSE trong một dịp nào đó. Thực ra không riêng gì trường hợp này, trong vấn đề thống kê các số liệu kinh tế tại VN, đã có rất nhiều người lên tiếng về chuyện bất cập số liệu do các cơ quan quản lý của nhà nước cung cấp. Nhưng thôi, đây có lẽ là một căn bệnh nan y khó mà giải quyết được trong một sớm một chiều. Đành phải sống chung với lũ vậy.

3 nhận xét:

  1. Nhìn lại năm 2013, khối lượng gd lớn nhất nhưng giá giao dịch bình quân/CP gần như là thấp nhất, theo em thấy thì điều này có thể giải thích bởi năm nay có quá nhiều tiền đổ vào dòng cổ phiếu penny và mid cap, có tình trạng rất nhiều cổ phiếu phải nói là còn cùi hơn cả cái cùi bắp nhưng dòng tiền vẫn bất chấp đổ vào đó. Với trình độ của e bây giờ thì k thể biết chính xác được khối ngoại có tham gia vào mấy cái CP cùi bắp này hay không. Nhưng theo em nghĩ thì chắc chỉ có dân Việt ta tự " thẩm du tinh thần" với nhau, bơm giá CP lên nhằm kiếm lời đặc biệt là các đội lái, Tây họ vẫn chú trọng vào các mã cơ bản có tiềm năng chứ ít tập trung vào mấy mã như VNH hay SHN

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói cũng hợp lí. Nhưng muốn chính xác hơn thì phải bóc tách từng nhóm cp là rõ. Mình thấy những dữ liệu này cũng ko khó tìm trên internet.

      Xóa
  2. Merkur 15c Safety Razor - Barber Pole - Deccasino
    Merkur 15C Safety worrione.com Razor www.jtmhub.com - Merkur - 바카라 사이트 15C for Barber Pole is the perfect introduction to the https://deccasino.com/review/merit-casino/ Merkur Safety dental implants Razor.

    Trả lờiXóa