Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Vịt lạm bàn về người Việt

Mấy tuần nay, có việc phải bôn ba đi lại nhiều nơi, chủ yếu là di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng, nên phải lăn lê bò lết ở các bến bãi, nhà chờ, quán ăn, hàng xá... Quan sát dân tình thế thái, chứng kiến biết bao cảnh chướng tai gai mắt, cũng có đôi chút ức chế trong lòng, lúc đầu định viết ra vài dòng nhưng nghĩ thôi đời nó thế, tập sống vô vi, gạt bỏ thị phi, để lòng mình an nhẹ, nên không viết.

Vô tình tối nay lượn lờ Facebook, thấy thằng bạn treo link kèm theo status: "Vẻ đẹp và con người Đồng Tháp như loài hoa sen vậy!".

Đọc xong dòng này mà nộ khí xung thiên, buột miệng thốt lên rằng: Đéo mẹ! Cả cái dân tộc Việt Nam này đi đâu hầu như cũng toàn gặp cái lũ kém văn hoá, hung hăn và thiếu tử tế, cái loại đẹp như hoa sen thì gần như đã tiệt chủng cả rồi, đâu mà còn nữa!!!

Rào trước: đọc tới đoạn trên, thể nào bà con cũng chửi em là phiến diện, miệng chửi thề mà đi phê bình người khác kém văn hoá, nên em cũng xin rào trước vài điều. (1) Em chỉ nói là hầu hết dân Việt Nam, chứ không nói là tất cả, xã hội này cũng còn khá nhiều người tử tế, nhưng tiếc là quá ít! (2) Em cũng đéo phải là thằng có văn hoá, thiện nam tín nữ gì cả, 9 tuổi em đã biết chửi thề, 12 tuổi em đã biết nhậu, 14 tuổi em đã biết hút thuốc... tuổi thơ lăn lộn, chẳng có gì hay ho nên thôi không kể nhiều. Chỉ tóm gọn em chẳng phải là người tốt hay tử tế, chỉ là người ngay thẳng, thích gì nói đó, nên bà con khỏi mắc công chửi em là đạo đức giả! ^^

Thôi thì đêm tối rảnh rỗi, sẵn viết vài dòng coi như ôn lại môn ngữ văn, để tiếng Vịt không bị mai một!



Tính đến cái Thu rồi là em tròn 24 tuổi, xem ra cũng được phần ba tuổi đời, mà nhìn lại sau lưng thì chẳng ra cái ôn gì. Em vốn thích bay nhảy, nên từ nhỏ đã bôn ba nhiều nơi. Cũng đã lê lết được 1/2 cái nước Việt Nam, riêng ngoài Bắc thì chỉ được vọt máy bay ra Hà Lội rồi vọt về, nên cũng chưa có nhiều trải nghiệm, nhưng chí ít cũng biết được ngoài Hà Lội người ta cũng ăn, ngủ và sống như trong Sài Gòn.

Còn về hải ngoại, chưa có dịp nào để đi xa cho biết, nhưng có một dạo, sáng nào ngủ dậy em cũng bước qua biên giới đái một phát rồi về lại Việt Nam oánh răng rửa mặt. Có thể gọi là bôn ba địa ngoại xả nước cứu thân!!!

Đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều loại người, từ TW đến địa phương, từ nông thôn đến thành thị, từ giàu đến nghèo, từ những năm 90 của thế kỷ trước cho đến những thập nhiên đầu của thiên niên kỷ Thứ ba, cho đến bây giờ, em rút ra được một vài điều về con người Việt Nam: hầu hết người Việt Nam thiếu văn hoá, ý thức xã hội kém, hung hăn, thiếu tử tế khi giao tiếp, bầy đàn, nhiều chuyện, khôn vặt, tham lam và chủ nghĩa địa phương.

Những tính xấu kể trên của người Việt Nam có thể biểu hiện khác nhau, thay đổi cường độ ít nhiều tuỳ vùng miền, tầng lớp, địa vị xã hội, nhưng tụ chung lại vẫn là những tính cách chung nhất mà em nhận thấy ở người Việt Nam, chẳng nhìn đâu ra được một đức tính tốt ở số đông. Mặc dù xét về cá biệt, vẫn có khá nhiều người Việt Nam tử tế, nhưng tiếc họ không phải là số đông của xã hội.

Khi nói ra mấy điều này, chắc hẳn sẽ có nhiều người phản bác lại, bảo rằng em chủ quan, phiến diện, chỉ nhìn thấy một mặt rồi vội vàng quy chụp. Xin nói luôn là em không phải nhà xã hội học, nên cũng không dám tranh luận nhiều với bà con, em chỉ nói ra cảm nghĩ của mình, nhưng bà con nào có ý kiến, em cũng vui lòng trao đổi hoà nhã vì tính em thích kết giao bằng hữu, trao dồi kiến thức, chia sẻ quan điểm. Còn nếu bà con nào cảm thấy những lời nhận định ở trên của e là không đúng, thì xin thử trải nghiệm một số việc sau đây:

1. Thứ nhất là em nói người Việt Nam thiếu văn hoá và ý thức xã hôi kém, cái này thì quá dễ chứng minh. Ở khắp Việt Nam, đi đâu cũng thấy bảng "CẤM ĐÁI BẬY", nó xuất hiện nhiều tới mức mà người ta chế ra cả truyện cười về cái "Vịnh Cam Dai", hay gọi đó là căn bệnh "Đái đường" kinh niên của người Việt.

Em nhớ có ai đó nói thế này: "Hãy cho tôi xem nhà vệ sinh của ai đó, tôi sẽ biết được chủ nhà là người như thế nào!". Ở Việt Nam thì nhà vệ sinh nó ở khắp mọi nơi, bờ tường, bụi cây, cột điện... Vào nhà vệ sinh của cá nhân thì còn sạch sẽ, ngán nhất là đi mấy cái nhà vệ sinh công cộng, phải nói là không đâu dơ bằng. Mấy chỗ nhà xe bến bãi thì không nói, ngay cả những chỗ lịch sự như cao ốc văn phòng, hay như cái nhà vệ sinh ở cty em làm nó cũng dơ không kém ngay sau khi có người sử dụng (mấy chỗ này đỡ 1 cái là khi có người dọn dẹp rồi thì nó sạch trở lại).

Nói về thiếu văn hoá và ý thức xã hội kém thì còn khá nhiều vấn đề khác để ví dụ như đi ăn buffer, xếp hàng, lễ hội, hàng phát miễn phí,v.v..., nhưng văn dở thì không nên viết dài, nên em chỉ kể sơ về việc vệ sinh của người Việt, vì chuyện vệ sinh là chuyện tế nhị và tối cần thiết nhất đối với con người, ngay cả chuyện vệ sinh mà còn thiếu ý thức thì chẳng còn cái gì khác tốt hơn.

2. Thứ hai là em nói về sự hung hăn. Chạy xe ngoài đường, nhỡ có qua vẹt nhau, câu đầu tiên người Việt hỏi nhau không phải là "có sao không?" mà là "chạy kiểu gì vậy, #$%^&?!!!". Dừng đèn vàng gây cản trở người phía sau cũng có thể bị chửi, hoặc là đèn bật xanh rồi mà chưa chịu chạy liền, thậm chí còn vài giây mới tới đèn xanh thì đã nghe tiếng kèn inh ỏi phía sau. Người Việt Nam thường có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng chửi bới và bạo lực, ít có ai chịu nhường ai, nếu nhỡ cả 2 cùng cương thì thường là cương cho tới cùng. Báo chí dạo này liên tục đăng những bài về bạo lực, từ học đường cho tới chuyện người lớn, trong nhà ra tới ngoài thôn, trộm chó cho tới trộm vàng. Sự hung hăn của xã hội ngày càng gia tăng. Bà con nào không tin thì cứ thử mấy cái em vừa kể, nhỡ có bị oánh chết thì đừng có hiện hồn về tìm em, em đập thêm cho khỏi đầu thai luôn!

3. Thứ ba là em nói về sự tử tế khi giao tiếp (giữa người với người hay người với thú gì cũng vậy). Trước tiên là nói về mối quan hệ "đầy tớ" và nhân dân. Vác mặt tới cơ quan nhà nước thì y như rằng sẽ được nghe la mắng, sỉ vả, dạy bảo, nạt nộ... bất kể cái loại nhân dân là già hay trẻ, hiểu chuyện hay khờ khạo. Mà nói chi đến cái bọn "đầy tớ" đầy quyền hành, ngay cả cái thằng bảo vệ ở cổng, chị tạp vụ, hay thím dọn rác ở khu phố cũng có thể hạch sách bất kỳ cái loại nhân dân nào... không biết điều!

Ở Việt Nam, đố có thằng nào dám bước vào trụ sở công an hay UBND xã, phường để hỏi thăm đường xá. Bước vào đó mà hỏi đường lơ mơ nó bắt và chở thẳng vô nhà thương điên thì khổ!

"Tính đến cuối 2011, Việt Nam có khoảng 2,83 triệu công chức, so với dân số, chiếm 2,36%, còn tính lực lượng hưởng lương có trợ giúp từ ngân sách khoảng 7,54 triệu người." [1] Trong cái đám đầy tớ này, không biết được bao nhiêu là tử tế, mà nếu có, chắc cũng thuộc dạng nằm trong sách đỏ rồi.

Đó là nói về quan hệ "đầy tớ" - nhân dân. Còn quan hệ giữa nhân dân với nhau thì còn hỗn tạp hơn nữa. Bà con thử vác đầu ra mấy chỗ công cộng như bến xe, quán ăn, chợ, bệnh viện... cứ hỏi thử mấy anh xe ôm, chị bán hàng một vài câu, hên hên thì nhận được câu trả lời tử tế, chứ phần lớn thì họ trả lời cộc lốc, còn nói mà vẫn chưa hiểu, hỏi lằn nhằn vài câu nữa, thể nào cũng bị chửi... ngu!

Đi mua sắm thì phải ăn mặc cho sang trọng, đẹp đẽ. Ăn mặc xuề xoà thì khó mà được tiếp đãi đàng hoàng, nhiều khi nó còn canh mình như canh trộm. Trong Nam thì người bán họ còn lịch sự hơn tí, không thích cũng để bụng, không chê thẳng mặt, ra Bắc mà đi mua hàng, lăn tăn thì thế nào cũng bị chửi. Ở ngoài Bắc, cửa hàng là Thượng đế, còn khách hàng là cái loại gì thì đến nay vẫn chưa ai xác định được. Vô loại!

4. Bầy đàn, nhiều chuyện, khôn vặt, tham lam và chủ nghĩa địa phương.

Viết tới đây thì thấy dài mà trời đã khuya, thôi túm gọn lại cho lẹ. Em xin kể một câu chuyện vui thế này:
Có một đám đông tụ tập bên đường, bên trong có mấy người bàn tán với nhau "nhìn chết trông thảm thiệt, tội nghiệp quá, trông cũng già rồi, nhưng mà còn bị chết thảm!". Bỗng phía ngoài có một thanh niên chen vào đám đông và la lớn: "Cho tôi qua, cho tôi qua, tôi là con của nạn nhân!". Khi chen được vào giữa đám đông rồi, thì chỉ thấy xác một con chó già bị xe cán chết. Có người chửi đổng vào: "Địt bố mày cái đồ tài lanh, chó chết mà cũng nhận làm cha để xin về thịt àh?!!"

Khi nghĩ về mấy chuyện này, nghĩ tới nghĩ lui rồi em cũng nghĩ tới một điều duy nhất: Một dân tộc mà số đông đang thiếu văn hoá trầm trọng như thế thì không biết lấy gì để tin vào tương lai đây?!! Haiz...

Đón sau: Nói gì thì nói chứ em cũng mong là những nhận định trên của em là chủ quan và chưa toàn diện. Còn bằng không, thì chỉ có thể hi vọng một điều rằng dân tộc nào cũng có lúc thịnh lúc suy, rồi sẽ có ngày dân tộc Việt Nam qua suy đến thịnh. Ngày đó là khi nào thì có Trời biết, cứ mà hi vọng thôi.

Chú thích:
[1] http://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-truong-noi-vu-co-nghe-tin-chay-viec-ton-nhieu-tien-579227.htm

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Vài suy nghĩ về Dịch lý phương Đông

Âm Dương

Sau 2-3 tuần tìm đọc về Dịch lý, Bát quái, Ngũ hành. Nhận thấy rằng tài liệu sách vở về Dịch lý ở VN và trên mạng được viết theo đủ kiểu, không có tính nhất quán, thậm chí nhiều người viết sai và tự chế. Nói chung là khá hỗn tạp.

Bát quái thì mâu thuẫn Ngũ hành, ráp các kiểu đồ hình chẳng có sự liên kết với nhau, đúng cái này thì sai cái kia. Dẫn tới tạo ra nhiều kiểu đồ hình bát quái, như Tiên thiên và Hậu thiên. Nhưng gộp lại thì không thấy được sự nhất quán. Gần đây một số nhà Dịch lý ở VN lại kết hợp với văn minh Lạc Việt và trống đồng, nghĩ ra thêm Trung thiên Bát quái, nhưng vẫn chưa được thừa nhận rộng rãi.

60 nạp âm Hoa giáp cũng mâu thuẫn và ko có tính cấu trúc. Nhưng chẳng hiểu vì sao trải qua mấy ngàn năm nghiên cứu và phát triển, khó mà tìm thấy một nhà nghiên cứu nào phản biện vấn đề này, đa phần đều tặc lưỡi bỏ qua, người xưa viết vậy ắt là có huyền cơ, cứ áp dụng theo vậy. Đây cũng có thể là do văn hoa khoa học của phương Đông, ít dám phản biện và chấp nhận phản biện, hậu sinh thì phải nghe theo lời tiền bối, và xu hướng nhuốm màu huyền bí cho khoa học để dễ lừa gạt, thu lợi ích cho riêng mình.

Xem lại các học thuyết về Dịch lý, rõ ràng vẫn không giải thích được một cách nhất quán toàn bộ thế giới tự nhiên. Lý giải lúc đúng lúc sai, phù hợp cái này thì mâu thuẫn cái kia. Ngũ hành thì cho rằng toàn bộ thế giới tự nhiên bị chi phối bởi 5 hành: Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ; còn Bát quát thì có 8 quái: Thiên (Càn) Trạch (Đoài) Hoả (Ly) Lôi (Chấn) Phong (Tốn) Thuỷ (Khảm) Sơn (Cấn) Địa (Khôn). Giữa 5 hành và 8 quái cũng đã cho thấy sự khác nhau về cách lý giải thế giới tự nhiên, nhưng các nhà nghiên cứu Dịch học lại còn kết hợp 2 học thuyết này lại với nhau, cho ra đồ hình Bát quái ngũ hành, sự kết hợp khiên cưỡng, làm cho lý luận càng rối khi phải nhồi nhét 8 quái và 5 hành. Một ví dụ cụ thể là phản ứng phân hạch nguyên tử. Nếu nói Uranium là thuộc Thổ, thì sự kết hợp của Thổ sao có thể cho ra Hoả (nguồn năng lượng hạt nhân) được? Không lẽ Uranium thuộc Mộc?

Trong khi khoa học thực chứng phương Tây, để một học thuyết được thừa nhận rộng rãi, thì phải đáp ứng 3 điều cơ bản sau:

1. Phải có cở sở logic học.
2. Phải có thực nghiệm chứng minh.
3. Phải có tính phổ quát cao.

Học thuyết Dịch lý phương Đông thường không đáp ứng được các điều này.

Tóm lại, Dịch lý phương Đông có 2 khả năng:

1. Hoặc là nó sai từ căn bản. Chỉ là 1 lý thuyết do người xưa nghĩ ra để giải thích thế giới, hiện giờ thì không còn hợp lý nữa, không áp dụng được.

2. Hoặc là nó bắt nguồn từ những nền văn minh ưu việt ngày xưa, nhưng bị thất truyền nhiều nội dung chính yếu, dẫn đến các nhà nghiên cứu về sau đã vận dụng sai, diễn giải lầm lạc, làm sai lệch đi nội dung ban đầu. Chưa kể một số thuật sĩ đã nhuốm màu sắc mê tín, tôn giáo để trục lợi bất chính.

Riêng về ứng dụng dự báo tương lai, vận mệnh của Dịch lý, người viết cho rằng các nhà nghiên cứu cần có những bằng chứng thực nghiệm xác đáng khi đưa ra các dự báo. Chứ không phải những phân tích, suy luận chủ quan phụ thuộc nhiều vào cảm tính và kinh nghiệm của riêng mình.

Phân tích sự bất hợp lý của Dịch lý phương Đông như thế không có nghĩa là chê bai, bài trừ hoàn toàn, xét theo góc độ lịch sử, Dịch lý vẫn chứa đựng những giá trị khoa học nhất định. Nhất là về toán học. Dựa vào Dịch lý có thể thấy rằng lịch sử phương Đông cổ đại đã có một nền toán học phát triển khá mạnh. Nhờ vào đó mà các lĩnh vực khác cũng phát triển theo như: xây dựng, kiến trúc, lịch pháp, thiên văn, thương mại...

Trên đây là một vài suy nghĩ của người viết đúc kết được sau khi tìm hiểu về Dịch lý. Ý tứ có phần lủng củng tí xíu, cũng chỉ mong chia sẻ quan điểm với mọi người. Nếu có điều chi sai sót, mong được sự chỉ bảo và học hỏi thêm từ những nhà nghiên cứu Dịch lý.

Nguyễn Việt Thắng.
nguyenvietthang0@gmail.com

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Percentage point và Basis point (Điểm phần trăm và Điểm cơ bản)

1. Khái niệm về Percentage point (Điểm phần trăm) và Basis point (Điểm cơ bản):

Nội dung được dịch từ nguồn: Math is fun - Percentage points
(Có chỉnh sửa và bổ sung cho rõ nghĩa.)
1.1. Percentage Points - Điểm phần trăm
Một điểm phần trăm = 1%.

Ví dụ: Lãi suất tăng từ 14%/năm lên thành 15%/năm thì gọi là tăng 1 Điểm phần trăm.

Tránh sự nhầm lẫn với "Sự thay đổi phần trăm tương đối giữa 2 số tuyệt đối" ra sao!

Nếu bạn đơn giản chỉ thêm/bớt một phần trăm từ một con số phần trăm khác, thì nên sử dụng "Điểm phần trăm" khi nói về sự thay đổi này.

Điều này để thể hiện rõ rằng bạn không có ý nói về sự thay đổi tương đối (tức là sự thay đổi một phần giá trị so với giá trị gốc, vd: sự tăng trưởng kinh tế, GDP năm nay tăng 8% so với năm trước; sự tăng trưởng doanh thu, doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ).

Ví dụ:
Tiêu đề ghi: "Lãi suất vừa được tăng từ 10%/năm lên thành 12%/năm"

Ta nói:  12%:10% = (12/100) : (10/100) = 1,2 = 120%, gọi là lãi suất đã tăng 20%, hay tăng 1,2 lần.
hay nói: Từ 10% tăng lên thành 12% là lãi suất tăng lên 2%.
Vậy cái nào đúng?

Cách nói đúng đó là lãi suất tăng 20%, bởi vì "%" là tỷ lệ của 2 giá trị (giá trị mới chia cho giá trị cũ). Còn nói tăng lên 2%, có nghĩa là từ lãi suất 10%, tăng 2% thì sẽ thành 10,2%.

Tuy nhiên, những người với món nợ vay mua nhà có thể hiểu ý "tăng 20%" của bạn là lãi suất đã tăng từ 10% lên thành 30%, và chắc họ sẽ lên tăng xông mà nhập viện?!!

Vì thế, cách nói hay hơn là nên nói lãi suất tăng 2 điểm phần trăm. Như vậy sẽ rõ nghĩa và tránh nhầm lẫn.

Vậy có 2 cách nói đúng khi nói lãi suất tăng từ 10% lên thành 12%:
- Tăng 20%.
- Tăng 2 điểm phần trăm.

Để rõ ràng, có thể sử dụng cả 2 cách nói cùng lúc. Ví dụ, "Hôm nay, lãi suất đã tăng 2 điểm phần trăm, có nghĩa là số tiền thanh toán lãi sẽ tăng 20%". Nhưng thông thường, khi đề cập về sự thay đổi của một con số phần trăm, người ta sẽ dùng khái niệm điểm phần trăm để tránh sự hiểu lầm. Và cách dùng này là phổ biến và là thông lệ chung trong học thuật cũng như trong kinh tế. Đó cũng là lí do mà người ta đưa ra khái niệm điểm phần trăm.

1.2. Basis Points - Điểm cơ bản (BPS)
Một điểm cơ bản bằng một phần một trăm của điểm phần trăm. 1 BPS (điểm cơ bản) = 0.01 Điểm phần trăm.
tức là: 100 BPS (điểm cơ bản) = 1 Điểm phần trăm.

Đơn giản mà nói, trong một số lĩnh vực (như tài chính), sự thay đổi của con số phần trăm thường rất nhỏ, có khi thể hiện chính xác đến 2 con thập phân. Cho nên người ta chia nhỏ 1 điểm phần trăm (1%) thành 100 đơn vị và gọi mỗi đơn vị đó là điểm cơ bản. Để khi nói về sự thay đổi nhỏ đó, người ta dùng khái niệm điểm cơ bản cho tiện lợi.

Ví dụ: Chênh lệnh giữ 8.10% và 8.15% là 5 BPS (Điểm cơ bản)
Nói thêm: Kiểu chia nhỏ này, gần đây chúng ta còn thấy ở trường hợp của Bitcoin. Có thời điểm, 1 Bitcoin có giá trị bằng 1.000 USD. Nên để thuận tiện giao dịch, ngta chia nhỏ 1 Bitcoin thành 100.000.000 Satoshi (Một trăm triệu Satoshi).

2. Một số trường hợp viết sai ở VN khi nói về "sự thay đổi phần trăm":

Đọc các báo cáo về lãi suất hay những chỉ tiêu thể hiện bằng con số phần trăm, thì thấy rằng có Tổng cục thống kê (GSO) là thường xuyên sử dụng thuật ngữ Điểm phần trăm. Trong khi đó, một cơ quan quan trọng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại hầu như không sử dụng thuật ngữ Điểm phần trăm và do đó, việc thể hiện sự thay đổi "con số phần trăm" trong báo cáo đã bị sai về mặt ngữ nghĩa.

Còn các tờ báo chuyên về kinh tế thì sử dụng thuật ngữ này một cách không đồng bộ. Thỉnh thoảng dịch sai lẫn lộn giữa Điểm phần trăm và Điểm cơ bản.

Ví dụ:

2.1. GSO đã sử dụng rất chuẩn xác thuật ngữ Điểm phần trăm trong THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI SÁU THÁNG ĐẦU NĂM 2012 ngày 29/06/2012.

2.2. Còn NHNN, trong bài viết Giảm lãi suất: Những động thái tích cực của ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngày 10/06/2012 lại không sử dụng Điểm phần trăm, làm cho ngữ nghĩa của bài viết trở nên sai hoàn toàn.

- "Tiếp theo các giải pháp lãi suất, tín dụng đã và đang triển khai quyết liệt từ đầu năm 2012 tới nay, thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ, từ ngày 11/6/2012, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm 1%/năm đối với các mức lãi suất điều hành."
=> Theo như ý của đoạn này, có thể hiểu là nếu hiện tại, lãi suất điều hành là 10%, thì mỗi năm sẽ bị giảm đi 1% của 10%. Tức là giảm 0,1 điểm phần trăm, còn 9.9%.

- "Mức lãi suất tiền gửi tối đa theo quy định hiện nay (11%/năm) ở mức khá cao, khoảng 3% so với lạm phát dự báo của tháng 6/2012 so với cùng kỳ năm 2011 (khoảng 7,4-7,5%) và lạm phát kỳ vọng cả năm 2012 (khoảng 7-8%)"
=> Nếu nói lãi suất tiền gửi cao khoảng 3% so với lạm phát dự báo là 7,5%, thì có nghĩa là cao hơn 3% so với 7,5%, tức là lãi suất tiền gửi sẽ bằng 7,5% + 3%x7,5% = 7,725%. Đúng ra đoạn này phải được viết là cao hơn khoảng 3 điểm phần trăm.

Khá nhiều bài viết của NHNN đều mắc những lỗi sai tương tự, như trong bài Họp báo công bố Quyết định hạ lãi suất của NHNN ngày 11/04/2012.

2.3. Báo VnEconomy dịch sai Điểm cơ bản thành Điểm phần trăm:

- Trong bài viết ANZ: Việt Nam có thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ của tác giả An Huy ngày 03/08/2012 có đoạn: "Cũng với quan điểm lãi suất của Việt Nam còn giảm, Ngân hàng JPMorgan Chase hồi tuần trước dự báo, lãi suất sẽ còn giảm thêm ít nhất 200 điểm phần trăm trong 6 tháng cuối năm. Ngân hàng Standard Chartered thì cho rằng, lãi suất sẽ giảm thêm 100 điểm phần trong trong quý 3."
=> Lãi suất mà giảm 200 điểm phần trăm tức là nếu lãi suất hiện tại là 9% thì lãi suất sau khi giảm sẽ là: 9% -200% = -191% ?!! +_+

- Đây là link gốc từ báo cáo của JP Morgan Chase: Vietnam: monetary policy rates headed even lower in 2H ngày 01/06/2012. Trong đó có đoạn: "Vietnam has stood out in recent years due to its high and volatile inflation cycles. This year, the inflation cycle has been notable again, though for more positive reasons, due to the consistent and rapid decline in price pressures. As a result, the SBV has eased monetary policy three times in as many months, by a total of 300bp. With inflation still expected to head lower in 3Q, the SBV will likely ease another 200-300bp this year."
=> Ở đây, Điểm cơ bản (Basis point) đã được dịch sai thành Điểm phần trăm. Một sai lầm nghiêm trọng.

3. Túm lại!
Cộng đồng kinh tế VN nên sử dụng thuật ngữ Điểm phần trăm và Điểm cơ bản như thông lệ quốc tế cho các báo cáo của mình để tránh nhầm lẫn và sai sót.

Ví dụ:
Trên website của FED: Open Market Operations

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Vài nhận định về Nghị định 24/2012/NĐ-CP Quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Đọc nghị định 24/2012/NĐ-CP về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tóm tắt mấy điểm đáng chú ý sau:

- NHNN sẽ là cơ quan quản lý thống nhất các hoạt động kinh doanh vàng. Trừ hoạt động khai thác và tinh luyện vàng của các DN khai thác vàng. => Trước đây việc quản lý vàng gặp nhiều bất cập là do không có quy định rõ ràng cơ quan chịu trách nhiệm quản lý. Giờ thì đã có quy định rõ ràng.

- Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. => Suy ra NHNN được độc quyền cái độc quyền này.

- Hoạt động kinh doanh vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp giấy phép. => Ngành kinh doanh có điều kiệu.

- Điều kiện kinh doanh vàng miếng đối với DN:
+ Vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
+ Ít nhất 2 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng.
+ Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liền tiếp gần nhất.
+ Có chi nhánh, địa điểm bán hàng tại 3 tỉnh, thành phố trực thuộc TW trở lên.
=> Theo những điều kiện này, thì DN mới muốn tham gia vào lĩnh vực kinh doanh vàng miếng thì gặp phải một trở ngại lớn là mất ít nhất 2 năm cho hoạt động kinh doanh, sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ với số thuế phải nộp tối thiếu 500 triệu đồng/năm. Còn không thì phải mua lại một DN kinh doanh vàng miếng đang hoạt động.

- Điều kiện kinh doanh vàng miếng đối với TCTD:
+ Vốn điều lệ từ 3000 tỷ đồng.
+ Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.
+ Có mạng lưới chi nhánh từ 5 tỉnh, thành phố thuộc TW.
=> Những TCTD nào vốn trên 3000 tỷ thì xem như được kinh doanh vàng miếng.

- Người VN và nước ngoài khi xuất, nhập cảnh được mang theo vàng theo quy định của NHNN. => Quy định cụ thể thì chưa có, chờ NHNN ra Quyết định hay Thông tư.

- NHNN được bổ sung vàng miếng vào Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

- Cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. => Người dân hay có thói quen tính giá BĐS theo vàng. Nói miệng thì không sao, nhưng nếu ghi vào hợp đồng mua bán thì được xem là vi phạm pháp luật.

- Trong nghị định có đề cập tới hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản. => Có khả năng sẽ cho phép hình thức kinh doanh này hoạt động trở lại.

Kết luận:
- Qua những quy định này, cho thấy thị trường vàng sẽ được quản lý chặt chẽ và thống nhất hơn. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh vàng hiện tại. Theo ý kiến tác giả bài viết thì Nghị định này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho thị trường.

- Một số DN sẽ hưởng lợi nhiều hơn, một số sẽ gặp bất lợi. Cụ thể như việc sản xuất vàng miếng sẽ tập trung về một DN (TNHH MTV do Nhà nước sở hữu), dưới sự quản lý của NHNN. Những DN sản xuất vàng miếng khác sẽ mất nguồn lợi từ hoạt động này. Cùng với đó là quy định về điều kiện kinh doanh vàng miếng cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

- Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản được đề cập, nhưng không có bất kỳ quy định nào nhắc đến chi tiết hơn. Kỳ vọng NHNN sẽ tính đến việc sớm mở lại hoạt động kinh doanh này.

Tải về Nghị định 24/2012/NĐ-CP