Trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, TTCK liên tục được áp dụng những quy định pháp luật mới liên quan đến thị trường do nhiều cơ quan quản lý khác nhau ban hành. Các quy định mới này đều nhằm mục đích chấn chỉnh cách tổ chức, quản lý và giúp cho thị trường được vận hành tốt hơn. Trong đó nổi bật nhất ở các văn bản sau: TT 74 của BTC về hướng dẫn giao dịch chứng khoán, CV của UBCK hướng dẫn TT 74 của BTC, Nghị quyết 08 của QH ban hành một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân, QĐ 637 của UBCK về Giao dịch ký quỹ. Các quy định mới này, chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề: Sở hữu nhiều TK, Giao dịch cùng phiên, Giao dịch ký quỹ, Uỷ quyền, Thuế TNCN liên quan đến TTCK. Trước khi có các quy định mới, thì đây là các vấn đề mang lại khó khăn, trói buộc thị trường và hầu hết các CTCK thực hiện ngầm hoặc lách luật trong khi chờ quy định hướng dẫn.
Tuy các quy định mới có góp phần thay đổi và thúc đẩy thị trường phát triển, nhưng cũng không ít quy định mang lại sự bất cập, tạo ra những khó khăn mới, làm cho các CTCK lung túng trong việc thực hiện. Như trường hợp TT 74, khi ban hành, nội dung các điều khoản về Giao dịch cùng phiên với ngữ nghĩa không rõ ràng, dẫn tới các CTCK diễn giải nhiều hướng khác nhau và không dám thực hiện. Ngay sau đó, UBCK đã ban hành công văn hướng dẫn, quy định chi tiết và diễn giải một số điều khoản, xem như tháo gỡ được khó khăn.
Quy định về miễn giảm thuế TNCN từ chứng khoán
Quy định về thuế TNCN từ cổ tức tiền mặt, theo Khoản 3 Điều 1, NQ 08 của QH: “Miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 01 tháng 8 năm 2011 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2012 đối với cổ tức được chia cho cá nhân từ hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp trừ cổ tức của các ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, tổ chức tín dụng.” Hiện tại, khi thực hiện chi trả cổ tức sẽ có 2 mốc ngày ảnh hưởng, đó là ngày chốt sổ cổ đông và ngày chi trả. Khoản 3 Điều 1 của NQ 08 chỉ nói là miễn thuế từ ngày 01/08-31/12/2011, nhưng lại không nói rõ là lấy ngày chốt sổ hay ngày chi trả để làm mốc tính thực hiện việc miễn thuế. Vì hầu hết các trường hợp, ngày chốt sổ và ngày chi trả là hai ngày khác nhau, có khi cách nhau cả mấy tháng. Nên chọn mốc thời gian là ngày nào, sẽ dẫn tới kết quả miễn thuế khác nhau.
Chính điều này gây ra sự lúng túng cho các tổ chức niêm yết, CTCK, thậm chí các cơ quan quản lý như UBCK và TTLK. Trước khi có NQ 08, các tổ chức niêm yết thực hiện thu thuế TNCN tại nguồn, từ sau khi có NQ 08, một số DNNY đã khéo léo đẩy trách nhiệm sang cho TTLK và CTCK bằng cách chuyển trả toàn bộ số cổ tức về cho CTCK. Việc thu thuế hay không để cho CTCK tự quyết định và chịu trách nhiệm chuyển trả phần thuế đó cho cục thuế hay cho nhà đầu tư. Và các CTCK đang gặp khó khăn trong việc này khi không biết nên áp dụng thế nào. Nếu thực hiện miễn thuế cho nhà đầu tư, CTCK sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền cổ tức vào TK của nhà đầu tư, nếu sau này có văn bản hướng dẫn chi tiết quy định số cổ tức đó phải được thu thuế, thì CTCK làm sao thu hồi được số tiền thuế? Còn nếu tạm thời giữ lại tiền thuế từ cổ tức, thì khi nhà đầu tư thắc mắc và yêu cầu việc miễn thuế theo NQ 08, CTCK phải giải quyết như thế nào? Trong tình huống này, việc tạm giữ lại tiền thuế sẽ là lựa chọn mang lại sự an toàn hơn cho phía CTCK.
Quy định về quản lý giao dịch ký quỹ
Một trong những quy định bắt buộc đầu tiên khi nhà đầu tư thực hiện GDKQ, đó là mở TK GDKQ tách bạch với TK giao dịch thông thường được quy định tại Khoản 2, Điều 11 của TT 74 do BTC ban hành và Điểm a, Khoản 3, Điều 8 của QĐ 637 do UBCK ban hành. Mục đích khi ban hành quy định này của UBCK là giúp theo dõi tách bạch những TK GDKQ, đánh giá đúng dòng tiền vào TTCK, kiểm soát dư nợ cho vay trong CK… Chung quy lại là để quản lý GDKQ được chặt chẽ và dễ dàng hơn. Nhưng cũng chính quy định tưởng chừng mang lại lợi ích cho thị trường lại trở thành khó khăn cho các CTCK, đó là làm sao để quản lý tách bạch TK GDKQ? Vì hiện nay, mã số TK GDCK được cấp theo QĐ 660 của BTC ban hành năm 2009, bao gồm 10 ký tự theo cấu trúc: AAA B CCCCCC. Với “AAA” là mã CTCK, “B” là ký hiệu phân biệt nhóm nhà đầu tư và “CCCCCC” là số tài khoản của nhà đầu tư. Và hệ thống giao dịch của CTCK, Sở GD và TTLK sẽ phải đồng bộ cấu trúc số TK này, để thực hiện các giao dịch CK. Trong khi đó, UBCK lại không đưa ra giải pháp thực hiện quản lý tách bạch TK GDKQ. Các CTCK lại không thể tự ý thay đổi hoặc thêm bớt trong cấu trúc mã số TK GDCK. Vậy CTCK sẽ phải quản lý tách bạch thế nào?
Có nhiều phương án được đưa ra, như: thêm ký tự sau “B”, thêm ký tự ở cuối, quản lý TK mẹ-con… Nhưng hầu hết đều khó khả thi nếu không có sự thay đổi từ phía UBCK. Còn nếu CTCK tự thực hiện quản lý tách bạch TK, thì một trong những phương án đáng được xem xét đó là các CTCK sẽ quản lý tách bạch bằng việc tự kiểm soát 6 mã số cuối “CCCCCC”. Với 1 hoặc 2 ký tự đầu là cố định để phân biệt TK GDKQ và TK thông thường, 4 hoặc 5 ký tự cuối để phân biệt giữa các nhà đầu tư với nhau. Ưu điểm của phương án này, đó là cấu trúc mã số TK không thay đổi, đáp ứng được các quy định hiện hành. Nhưng nhược điểm là nếu CTCK đã sử dụng hết đầu số ở 1 hoặc 2 ký tự đầu để cấp mã số TK cho KH của mình, thì không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch của các CTCK, Sở GD và TTLK có thể chấp nhận việc 1 nhà đầu tư với cùng 1 số CMND lại sở hữu 2 số TK hay không? Và điều cuối cùng là khi nhà đầu tư muốn chuyển số CK mà mình nắm giữ giữa 2 TK, TK GDKQ và TK thông thường thì thực hiện như thế nào?
Kết luận
Trên đây chỉ là một trong những trường hợp khó khăn về quy định pháp lý mà TTCK đang vấp phải. Ngoài các trường hợp kể trên, thị trường còn đang gặp nhiều vướng mắc về Công bố thông tin, Công ty đại chúng, Quản lý tài khoản nhà đầu tư, Quản lý giao dịch... mà không biết sẽ trông chờ đến khi nào được giải quyết một cách đồng bộ, dứt điểm. Việc thay đổi quy định pháp lý nhằm thích ứng tình hình hiện tại, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển là cần thiết. Nhưng nếu thực hiện một cách vá víu, tạm thời không có sự đồng bộ, cẩn trọng thì không những không cải thiện được tình hình mà còn sẽ tạo ra nhiều rắc rối hơn nữa.
Luật CK ra đời lần đầu tiên năm 2007, đó là thành quả mà các nhà quản lý đã bỏ ra rất nhiều sự nỗ lực nhằm mang lại cho thị trường một khung pháp lý chính thức. Nhưng tình hình đã thay đổi, thị trường ngày một phát triển nhanh, chúng ta cần phải có một bộ luật CK mới với tầm nhìn chiến lược lâu dài trên cơ sở đồng bộ, thống nhất với khung pháp lý chung. Có như vậy, mới có thể phát triển thị trường một cách ổn định, bền vững. Đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế VN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét