Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2009
Trại súc vật (Animal farm) - George Orwell.
The Road to Serfdom (Đường về nô lệ) - Friedrich A. von Hayek
Như kết luận cuối cùng của Hayek trong tác phẩm "Đường về nô lệ", "Chính sách bảo đảm tự do cá nhân là chính sách duy nhất đúng", câu trả lời cho câu hỏi phía trên đối với một người "thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao" nên là "Sự nô lệ hoá con người trong mọi lĩnh vực, với tiền đề là quá trình phi tự do hoá nền kinh tế". Phản đối quá trình phi tự do (kế hoạch) hoá nền kinh tế là chủ đề xuyên suốt "Đường về nô lệ".
Hayek bắt đầu tác phẩm bằng việc chỉ ra mối quan hệ tương hỗ giữa kế hoạch hoá và quyền lực. Ở một chế độ mà việc lập kế hoạch từ tổng thể cho đến chi tiết trong mọi hoạt động kinh tế được coi là nhiệm vụ then chốt, thì hiển nhiên, để đạt được mục tiêu, người lập kế hoạch (nhà nước) phải cố gắng giành được càng nhiều quyền lực càng tốt và áp đặt chúng lên người thực hiện (người dân). Và một khi, ở điều kiện khách quan nào đó của lịch sử, người dân bị tư tưởng của CNXH quyến rũ và chấp nhận kế hoạch hoá như là một phương thức để tiến tới cuộc sống tốt đẹp hơn, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ đã tự nguyện trở thành người làm công cho một ông chủ duy nhất là nhà nước, hay chính xác hơn là tự biến mình thành một dạng nô lệ [kiểu mới] để không bị chết đói.
Sẽ là muộn đối với những ai sau đó nhận ra rằng kế hoạch hoá thực chất không phải là phương tiện mà chính xác là mục đích của chế độ. Kế hoạch hoá đồng nghĩa với trợ việc duy trì và tăng cường quyền lực của nhà nước XHCN. Bởi vì ở thời đại mà con người "gần như phụ thuộc hoàn toàn vào những phương tiện do người khác sản xuất ra cho nên việc kế hoạch hoá nền kinh tế sẽ kéo theo sự quản lí gần như toàn bộ đời sống của chúng ta" dù muốn hay không.
Friedrich August von Hayek (08/05/1899 - 23/03/1992)
Hayek cũng đã lý giải vì sao trong một chế độ độc tài toàn trị như vậy, "những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất"? "Thứ nhất, trình độ học vấn và tri thức càng cao thì thị hiếu và quan điểm càng phân hoá. Nếu chúng ta muốn tìm một sự thống nhất cao về quan điểm thì chúng ta phải hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức và tri thức của chúng ta xuống ngang hàng với những bản năng nguyên thuỷ".
Thứ hai là để gia tăng nhóm những người có quan điểm giống nhau đó, lãnh tụ phải kết nạp thêm "những kẻ dễ bảo và cả tin, những kẻ không có niềm tin riêng mà sẵn sàng chấp nhận các hệ thống giá trị sẵn có miễn là được rót vào tai họ một cách liên tục", "những kẻ với các tư tưởng mù mờ và được hình thành một cách dở dang, những kẻ dễ dao động, những kẻ mà tình cảm và niềm đam mê sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào" để làm đông thêm đảng toàn trị của mình.
Thứ ba, "để có thể đưa những người ủng hộ thành một tập thể cố kết, người lãnh đạo phải lợi dụng những nhược điểm của con người. Có vẻ như người ta dễ dàng đồng thuận về những vấn đề có tính tiêu cực như chí căm thù giặc, lòng ghen tức với những kẻ khá giả, hơn là về những nhiệm vụ có tính tích cực". Điều này cũng giải thích vì sao ở chế độ toàn trị, con người ta dễ dị ứng với những quan điểm khác biệt với quan điểm chính thống đến thế.
Tiếp đến, Hayek đã chỉ ra rằng "chính phủ hoạt động theo kế hoạch từ trung ương thì không thể là một chính phủ khách quan", và cái gọi là pháp trị trong một nhà nước như thế là một sự huyễn hoặc, mị dân và thực chất là không tồn tại. "Pháp trị là chính phủ không tạo ra đặc quyền pháp lí cho một nhóm người cụ thể nào đó, pháp trị cũng là bảo đảm sự công bằng trước pháp luật, tức là khác hẳn với chính phủ độc đoán".
Nhà nước khi đó là thể chế "cho phép một người được làm cái mà người khác bị cấm", và việc "một số người sẽ được giầu có đến mức nào, một số người khác thì được phép có những gì, nhất định sẽ trở thành luật". Hiểu được điều này, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được bản chất những gì đang diễn ra ở Việt Nam, đặc biệt là gần đây, khi mà hàng loạt sự việc liên quan đến cách xử lý của chính quyền với vấn đề đất đai, báo chí, quan chức tham nhũng đã gây bất mãn sâu sắc trong dư luận.
Không có nhiều người tin vào tính kém hiệu quả và những mâu thuẫn nội tại của nền kinh tế kế hoạch hoá mà Hayek đã nêu lên khi ông bắt đầu công bố "Đường về nô lệ" vào năm 1944. Nhưng ngày nay, điều này là không phải bàn cãi với việc sụp đổ của hệ thống XHCN ở Đông Âu còn Trung Quốc, Việt Nam thì đang chuyển dần sang nền kinh tế thị trường. Hayek không dừng lại ở đó, ông còn đưa chúng ta tiếp cận tư tưởng về một nền kinh tế tự do, một xã hội cạnh tranh mà ở đó con người có quyền tự do lựa chọn.
Hayek bàn đến "hai loại an toàn". "Loại an toàn thứ nhất là tin chắc rằng mọi người đều được nhận những thứ tối cần thiết để tồn tại; loại an toàn thứ hai là sự bảo đảm cho một lối sống, một địa vị tương đối mà một người hoặc một nhóm người được hưởng so với những người khác". Loại thứ hai tồn tại thường xuyên trong tâm trí những người sống trong chế độ XHCN. Ở Việt Nam [đặc biệt là ở thời Bao cấp], điều đó thể hiện qua việc lớp trẻ mong muốn thi vào các trường Công an, Cảnh sát, Quân sự..., còn người lớn thì cố leo cao trong ngạch hành chính của mình để hưởng đặc quyền, đặc lợi.
Điều này dẫn đến cá nhân càng lúc càng lệ thuộc vào nhà nước để đảm bảo an toàn cho mình, sự an toàn theo kiểu trại lính. "Trong quân đội, công việc và người công nhân đều do cấp trên chỉ định, đây là hệ thống duy nhất mà cá nhân được bảo đảm hoàn toàn về mặt kinh tế. Nhưng sự bảo đảm này lại gắn liền với những hạn chế về quyền tự do và hệ thống cấp bậc, nghĩa là sự an toàn của trại lính. Trong xã hội đã quen với tự do, chắc chẳng có mấy người sẵn sàng đánh đổi sự an toàn với cái giá như thế".
Cuối cùng, Hayek dẫn lời của Benjamin Franklin để khẳng định lại niềm tin và cơ sở của tư tưởng tự do ở các nước Anglo-Saxon, "Người nào từ bỏ tự do thực sự để đổi lấy một ít an toàn tạm thời thì không xứng đáng được tự do, cũng chẳng xứng đáng được an toàn".
Nguồn: Kazenka's Blog
--------------------------
Để hiểu hơn về những gì đã trình bày ở phía trên từ Kazenka's Blog, cách tốt nhất là bạn nên đọc tác phẩm "Đường về nô lệ" của Friedrich A. Hayek. Lưu ý rằng, trong bài viết này, mình giới thiệu 2 phiên bản.
Phiên bản chính văn của Hayek, xuất bản năm 1944. Được Nguyễn Quang A dịch và xuất bản tại VN với tựa đề "Con đường dẫn tới chế độ nông nô". Đúng ra muốn hiểu rõ hơn về tư tưởng của Hayek, thì cách tốt nhất là nên đọc chính văn của ông. Nhưng theo nhận định của cá nhân mình, thì bản chính văn, do Nguyễn Quang A dịch, là khá dài và khó "nuốt" đối với những độc giả không chuyên về kinh tế chính trị.
Do đó, mình thường gợi ý người đọc nếu muốn nắm bắt nhanh tư tưởng cốt lõi của Hayek, thì nên đọc phiên bản rút gọn được đăng trên tạp chí The Reader’s Digest vào tháng 04/1945, do Phạm Minh Ngọc dịch, với lời tựa là "Đường về nô lệ". (Mình cũng rất thích lời tựa này, lời tựa của Nguyễn Quang A thì khá bám sát về câu chữ). Tuy là bản rút gọn, nhưng được giới chuyên môn đánh giá xuất sắc như là bản chính văn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể xem thêm phần phóng tác "Đường về nô lệ" theo tranh truyện ở cuối bài viết này.
Tác phẩm này có thể khiến một số bạn đọc cảm thấy "khó chịu", cũng như hơn 60 năm trước, đã có những người đã từng giận dữ đối với tác phẩm nhưng rồi cũng đã dịu lại và suy ngẫm bởi tính đúng đắn của nó theo thời gian. Bạn hình dung rằng tác phẩm ra đời năm 1944, trước khi WWII kết thúc và đang là thời kỳ cực thịnh của Đức Quốc xã; sau chiến tranh là thời kỳ mở rộng của Liên Xô. Trong suốt những năm sau WWII đến thập niên 70, với mô hình nhà nước tập trung, kế hoạch hoá của Liên Xô đang rất thành công, dẫn đến rất nhiều nhà kinh tế học và chính trị ở các nước tư bản cũng có xu hướng nghiêng về phía ủng hộ nhà nước kế hoạch hoá. Những tư tưởng và dự đoán của Hayek không được đánh giá cao, thậm chí là coi thường. Mãi sau đến những năm sau thập niên 70, khi nền kinh tế của Liên Xô bắt đầu bộc lộ những yếu kém và sụp đổ, thì người ta mới nhìn lại và thấy những dự đoán của Hayek là vô cùng đúng đắn.
Rất hy vọng rằng "Đường về nô lệ" sẽ có thể giúp các bạn phần nào hiểu rõ hơn các quyền tự do của mình, từ đó sẽ ý thức được sự nguy hiểm khi bàng quan, phó mặc cho nhà nước "kế hoạch hoá" thay cho mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Download Ebook:
Đường về nô lệ - Bản rút gọn - Phạm Minh Ngọc dịch
Con đường dẫn tới chế độ nông nô - Nguyễn Quang A dịch
Con đường dẫn tới chế độ nông nô - phiên bản truyện tranh (English)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)