Thứ Ba, 17 tháng 4, 2007

Chân lí và lẽ phải


Lời mở đầu

Trong lịch sử phát triển của mình, con người luôn muốn tìm đến chân lí và lẽ phải. Nhưng trên con đường tìm kiếm đó, con người thường không thực hiện bằng giải pháp ôn hoà mà thường là bằng bạo lực và bao giờ cũng một nguyên nhân mà họ bảo là chính đáng làm cái cớ cho các cuộc chiến. Để rồi cuối cùng người chiến thắng sẽ nói chiến tranh này là chính nghĩa, chiến tranh kia là phi nghĩa. Karl Marx nói: “Hạnh phúc là đấu tranh.” Nhưng không lẽ hễ đấu tranh và muốn thắng lợi là phải dùng bạo lực (Điều này do tôi nhận định, Marx không nói).

Trong cuộc sống tất cả mọi người đều có lí lẽ của riêng mình. Vậy đâu là bản nguyên thật sự của chân lí và lẽ phải? Có phải kẻ mạnh luôn đúng? Còn kẻ yếu luôn sai? Những câu hỏi trên luôn là những khúc mắc lớn trong suy nghĩ của tôi. Tôi luôn muốn tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi đó. Tôi biết đây không phải là công việc dễ dàng. Nhưng tôi vẫn cứ làm, bởi vì nó làm thoả mãn khao khát tìm hiểu của tôi.

Xin nhấn mạnh rằng bài tiểu luận chỉ bàn về những vấn đề chân lí và lẽ phải mang tính xã hội. Chủ yếu là những tiêu chuẩn chân lí và lẽ phải do con người đặt ra như một chuẩn mực hay một phương châm sống và thực hiện nó trong mối quan hệ xã hội. Chứ không bàn về những vấn đề chân lí mang tính tự nhiên như việc tranh cãi giữa thuyết nhật tâm và thuyết địa tâm.

1. Đặt vấn đề

Nhìn lại một số diễn biến thời sự quốc tế gần đây. Các cuộc chiến tranh do Mỹ và đồng minh phát động. Các vụ khủng bố. Các vụ ngược đãi tù nhân. Các tranh chấp tế, quân sự, chính trị giữa các quốc gia. Chúng ta thấy gì ở các vấn đề trên.

Khi các quốc gia có lợi ích đối lập tranh chấp nhau, bên nào cũng cho rằng lí lẽ của mình đưa ra là đúng cả. Vậy đâu là chuẩn mực để phân biệt ai đúng ai, ai sai? Có những vấn đề mà bạn cho rằng họ sai hoàn toàn, nhưng họ luôn có những lí do để bảo vệ cho hành động và lợi ích của mình. Nước Mĩ cho rằng mình là nước có dân chủ nên họ tự cho mình cái quyền phán xét dân chủ của nước khác, trong khi chính quân đội Mĩ lại ngược đãi tù nhân một cách nghiêm trọng. Vậy dân chủ ở đâu? Còn nếu bạn nói họ sai vậy bạn làm gì được họ. Có phải bạn thấy bất lực trước công lí không?

Đây chỉ là một vài ví dụ nhỏ, trên hành tinh này còn vô số những điều bất công, sai trái lắm. Nhưng nó vẫn tồn tại và ngày ngày diễn ra. Tức là nó có chỗ hợp lí của nó. Có bao giờ bạn đặt câu hỏi chân lí là gì? Lẽ phải ở đâu? Hay đâu là chuẩn mực của đúng sai? Có bao giờ bạn hỏi như thế không? Và bạn trả lời những câu hỏi đó như thế nào? Có phải là mạnh được yếu thua. Hay lẽ phải luôn thuộc về kẻ mạnh. Tôi không dám nói là mình sẽ giải thích một cách triệt để các vấn đề trên. Nhưng tôi sẽ cố gắng lí giải một phần nào đó bằng quan điểm và cách nhìn nhận của riêng mình.

2. Quan điểm của người viết về chân lí và lẽ phải

Có hai câu nói thể hiện xuyên suốt toàn bộ quan điểm của tôi. Thứ nhất, tôi cho rằng “chân lí thuộc về mọi người”. Câu nói này tôi trích từ nhạc phẩm Một đời người, một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

Mỗi người đều có quan niệm, tư tưởng, lí tưởng sống của riêng mình. Mà tôi gọi đó là chân lí của riêng họ, chân lí cá nhân. Không chân lí của ai giống ai cả. Và chân lí của mỗi người trước tiên là gắn liền với lợi ích cá nhân của riêng họ. Có những chân lí chung nguồn gốc, chung mục đích và cũng có những chân lí mâu thuẫn đối kháng với nhau một cách gay gắt. Nhưng tất cả đều có một điểm chung, không ai có thể bắt người khác thay đổi chân lí cá nhân. Giống như câu nói của Ernest Hemingway: “Con người có thể bị huỷ diệt chứ không thể bị đánh bại.” Chúng ta có thể bắt người khác làm theo ý mình, bắt người khác làm trái với lí tưởng của họ nhưng chúng ta không thể bắt họ thay đổi quan điểm suy nghĩ của chính họ được. Khẩu có thể phục nhưng tâm không thể phục.

Con người sống trong xã hội, tất cả mọi người có mối quan hệ xã hội ràng buộc lẫn nhau. Những việc làm của người này đều có ảnh hưởng đến người khác. Mỗi người một chân lí, nếu không ai chịu nghe ai, mạnh ai nấy làm thì có phải xã hội này trở nên vô cùng mất trật tự? Thực tế chứng minh xã hội đang vận hành một cách có nguyên tắc. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Để lí giải vấn đề này tôi đưa ra quan niệm như sau. Mặc dù mỗi người một chân lí, nhưng giữa các chân lí cá nhân ấy có sự điều hoà một cách tương đối với nhau. Cho nên xã hội này mới ổn định. Để điều đó xảy ra, tôi cho rằng phải có một cái gì đó là tiếng nói chung, là mục đích chung định hướng cho các chân lí cá nhân. Nó phải có sức mạnh chi phối các chân lí cá nhân và bắt các chân lí cá nhân điều hoà mâu thuẫn với nhau. Tôi gọi cái đó là lẽ phải.

Lẽ phải là cái chân lí mà các chân lí cá nhân phải nghe theo nó. Lẽ phải có thể là ý chí nguyện vọng của một nhóm người, một tầng lớp người trong xã hội, cũng có thể là chân lí cá nhân của một người. Miễn là nó đảm bảo được sức mạnh định hướng, chi phối các chân lí cá nhân, bắt các chân lí cá nhân tuân phục nó. Tất nhiên là để làm được như thế thì đi kèm với lẽ phải sẽ là tính quyền lực và tính cưỡng chế.

Có thể tóm gọn toàn bộ quan điểm này bằng câu nói thứ hai: “Lẽ phải đâu? Lẽ phải ở đầu súng!” (Tôi không biết chính xác ai nói câu này, người trực tiếp nói với tôi câu này xác định rằng đây là câu nói của Adofl Hitler).

Chỉ có chân lí kèm theo quyền lực thì mới trở thành lẽ phải. Rất dễ dàng để chứng thực cho quan điểm này. Chúng ta biết rằng nhà nước là bộ máy cai trị của giai cấp thống trị đặt ra cho toàn xã hội. Kèm theo đó là quyền lực để làm công cụ trấn áp các giai cấp đối kháng trong xã hội. Lúc này chân lí của giai cấp thống trị trở thành lẽ phải cho toàn xã hội, nó trở thành chuẩn mực đúng sai, trở thành giá trị đạo đức cho tất cả. Cho dù lẽ phải đó so với chân lí của bạn có là sai đi nữa thì bạn cũng vẫn phải nghe theo và phục tùng nó, vì nó có quyền lực để cưỡng chế bạn.

“Lịch sử luôn được viết bởi người chiến thắng, còn lịch sử của những người thuộc phe thất bại thì thuộc những người ngày càng ít đi.” - Joachim Peiper (1915 – 1976).

Từ đó nhận thấy rằng nếu lẽ phải phục vụ cho lợi ích của số đông trong xã hội và điều hoà tốt các chân lí cá nhân thì lẽ phải đó sẽ tồn tại và thống trị lâu dài. Nhưng nếu lẽ phải đó chỉ phục vụ lợi ích của một thiểu số cá biệt trong xã hội và làm cho mâu thuẫn giữa các chân lí cá nhân ngày càng gay gắt thì tất yếu sẽ dẫn tới xung đột giữa các chân lí, chân lí mạnh nhất sẽ xoá bỏ lẽ phải cũ để trở thành lẽ phải mới. Đó có thể là một cuộc cách mạng xã hội, hoặc là một cuộc chiến tranh.

Từ hai quan điểm trên tôi đề ra một phương châm sống. Để bảo vệ và phát triển cái chân lí mang lại nhiều lợi ích cho mọi người nhất, tức là bảo vệ và phát triển lợi ích xã hội, thì chúng ta phải tạo cho mình sức mạnh, có sức mạnh chúng ta mới có thể bảo vệ lợi ích bản thân và lợi ích xã hội, chống lại các lợi ích đối lập. Và nên nhớ rằng phải tự biết điều hoà giữa lợi ích bản thân và lợi ích xã hội.

“Đấng cứu thế của chúng ta không ai khác ngoài chính chúng ta.” - Imhotec SeJa

Kết luận

Do còn hạn chế về trình độ nhân thức và kinh nghiệm. Nên những tư tưởng, quan điểm của tôi vẫn chưa rõ ràng, nhiều chỗ còn mâu thuẫn với nhau. Nhưng điều đó đối với tôi không quan trọng, điều tôi quan tâm là việc tôi thể hiện suy nghĩ của mình và thể hiện nó như thế nào. Tôi đang từng bước xây dựng công trình tư tưởng của riêng mình, tôi sẽ phải phá bỏ viên gạch chỗ này, xây lại viên gạch khác chỗ kia. Có thể ngày mai tôi sẽ nói khác hơn so với ngày hôm nay. Và tôi cần nhiều sự thay đổi như thế, vì nó làm cho tôi ngày hoàn thiện hơn.