Thứ Ba, 8 tháng 10, 2024

Ngân hàng trung ương: ngân hàng 0 đồng


"Modern human drives a mortgaged car over a bond-financed highway on credit-card gas."
Earl Wilson.

Ngân hàng trung ương: ngân hàng 0 đồng

Hồi những năm 2014-2015, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện khái niệm ngân hàng 0 đồng. Tên gọi này là do báo chí gọi những ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém bị lỗ âm vốn, nên Ngân hàng nhà nước (NHNN) áp dụng các biện pháp tái cơ cấu bằng cách mua lại với giá 0 đồng. Thực ra các ngân hàng này cũng không hẳn là 0 đồng, vì để xử lý chúng, NHNN phải bỏ thêm tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn, bù lỗ, rồi mới có thể tái cơ cấu lại được.

Nhưng xét ra về bản chất, mấy ông ngân hàng trung ương (NHTW) mới thực sự là ngân hàng 0 đồng. Bởi vì NHTW được lập ra từ hư không và họ phát hành tiền cũng từ hư không.

Do lịch sử xã hội loài người là 1 quá trình phát triển khá dài, từ nguyên thuỷ đến hiện đại, từ đơn sơ đến phức tạp, nên quá trình hình thành các thiết chế xã hội, kinh tế, tài chính nó được nối tiếp và đan xen nhau phức tạp, làm cho lu mờ đi những bản chất gốc rễ của các thiết chế đó. Như là nguồn gốc nhà nước, nguồn gốc quốc gia, nguồn gốc tiền tệ, nguồn gốc NHTW... Nó giống như là tàng tích "sự thật" bị lãng quên sau nhiều năm và bị che lấp bởi lớp lớp rừng cây rậm rạp, muốn thấy được tàng tích đó, phải băng qua cả khu rừng.

Quay lại vấn đề bản chất của NHTW, vì sao nó là ngân hàng 0 đồng, và nó phát hành tiền từ hư không, chúng ta phải tưởng tượng bằng cách "reset" lại toàn bộ nền kinh tế tài chính về điểm khởi phát, sau đó đi dần từng bước qua các giao dịch kinh tế giữa các đối tượng trong nền kinh tế. Từ đó sẽ hiểu được mọi thứ một cách rõ ràng.

Tưởng tượng Elon Musk thành công đưa một nhóm người lên Sao Hoả định cư, bắt đầu cuộc sống mới trên hành tinh này và hoàn toàn tách biệt với các hoạt động đời sống xã hội trên Trái đất. Trên Sao Hoả có môi trường sống, tài nguyên và điều kiện hoàn toàn lý tưởng y như ở Trái đất. Nghĩa là trên Sao Hoả lúc này chỉ có 1 nhóm người và các tài nguyên thiên nhiên sẵn có.

Lúc này, nhóm người phải tự nuôi sống bằng các hình thức săn bắt hái lượm, rồi kế tiếp có thể họ sẽ trồng trọt và chăn nuôi. Sau đó họ sẽ có nhu cầu trao đổi hàng hoá với nhau, ban đầu họ sẽ dùng hàng trao đổi hàng, người trồng táo sẽ đổi táo với người nuôi bò để lấy thịt, sữa, và cứ thế trao đổi lẫn nhau. Xã hội mới sẽ gia tăng quy mô và nhu cầu ngày càng đa dạng. Rồi họ sẽ đề nghị lập ra một chính phủ để quản lý xã hội. Rồi để trao đổi hàng hoá dễ dàng, họ phải chọn 1 thứ để làm trung gian trao đổi giá trị với nhau, thế là họ đề nghị in ra tiền. Chính phủ của họ sẽ lập ra 1 cơ quan gọi là NHTW để quản lý việc in và phát hành tiền.

Khởi đầu, NHTW sẽ in ra một lượng tiền giấy, ví dụ số lượng tiền giấy sẽ là 1000$. Tiền giấy này do NHTW phát hành ra. nên nó là khoản nợ của NHTW đối với bất kỳ ai nắm giữ những tờ tiền đó. Bảng cân đối của NHTW sẽ như hình 1.

Lúc này tiền vẫn còn trong két của NHTW và chưa được đưa ra lưu thông. Do đó 2 bên bảng cân đối, mỗi bên sẽ là 1000$ đối ứng. Nếu NHTW tiêu huỷ số tiền giấy này, thì sẽ xoá 1000$ tiền giấy ở bên Tài sản và cũng sẽ xoá 1000$ phát hành tiền bên Nợ, như vậy bảng cân đối của NHTW lại về con số 0. Do đó, bản chất của NHTW là 0 đồng, không có gì cả. Còn khi NHTW in và phát thành tiền, thì 2 bên bảng cân đối sẽ tăng lên số tiền đã phát hành tương ứng. Đây là lí giải cho chỗ NHTW là 0 đồng và họ phát hành tiền từ hư không.

Vậy tiền sẽ được đưa ra nền kinh tế và phát huy vai trò trung gian trao đổi giá trị  như thế nào?  Ta sẽ lấy cơ chế của FED đang áp dụng làm ví dụ. Để có ngân sách cho Chính phủ (CP) chi tiêu, CP sẽ phát hành ra 1 lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) trị giá 1000$ và bán nó cho NHTW để đổi lấy 1000$ tiền giấy. Do vậy nên mới có cơ chế là CP phát hành bao nhiêu TPCP, thì NHTW mới được phép in và phát hành ra tương ứng bấy nhiêu tiền.

Bảng cân đối của NHTW và Ngân sách CP sẽ như hình 2A và 2B.


CP sẽ dùng 1000$ tiền giấy này để chi tiêu cho các hoạt động đầu tư công. Tiền giấy sẽ được chi trả cho các cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế, gọi chung là KH1. Khi nhận được tiền chi trả từ CP, KH1 gửi hết số tiền giấy này vào NHTM1. Bảng cân đối lúc này của NHTM1 sẽ như hình 3A. 

Vì quy định của hệ thống ngân hàng bắt buộc khi nhận được tiền gửi từ KH, NHTM phải chuyển 10% số tiền này về NHTW ký gửi (100$), gọi là dự trữ bắt buộc, và 10% này gọi là tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Số tiền 90% còn lại (900$), NHTM1 được tuỳ ý sử dụng để cho vay, và NHTM1 đã cho KH2 vay toàn bộ số tiền này. KH2 dùng 900$ vay được thanh toán cho KH3, KH3 lại tiếp tục mang 900$ này gửi vào NHTM1, như vậy NHTM1 lại tiếp tục phải gửi DTBB 10% trên số tiền gửi 900$ của KH3. Bảng cân đối của NHTM1 sẽ như hình 3B và NHTW sẽ như hình 3C.


Dựa trên tiền gửi của KH3, NHTM1 đã gửi DTBB 90$ và tiếp tục cho vay KH4 810$. KH4 dùng 810$ này thanh toán cho KH5 và KH5 lại tiếp tục gửi vào NHTM1. Chu trình này cứ tiếp tục tiếp diễn với số tiền gửi kế tiếp giảm dần theo tỷ lệ 10%. Quá trình này gọi là khả năng tạo tiền của hệ thống NHTM vào số tiền tối đa được tạo ra sẽ là M2 = M1/r (với M1 là số tiền gửi vào ban đầu và r là tỷ lệ DTBB). Bảng cân đối của NHTM1 và NHTM sẽ như hình 4A và 4B.


Toàn bộ quá trình này, chúng ta thấy rằng NHTW bản chất không có đồng nào cả. Và họ phát hành 1000$ tiền giấy ban đầu cũng bằng cách in nó ra từ... giấy. Mấu chốt cho toàn bộ quá trình này là tính pháp định. Tức là giá trị sử dụng của tiền và toàn bộ cơ chế phát hành này được hình thành là nhờ vào nhà nước quy định và đứng ra bảo chứng. Do đó, tiền phát hành theo hình thức này còn gọi là tiền pháp định.

Ngoài ra, còn có tiền phát hành theo cơ chế bản vị vàng (tiền phát hành được bảo chứng bằng vàng). Tương tự, đồng crypto USDT được phát hành và bảo chứng bằng danh mục tài sản gồm USD, Bitcoin...

Từ cơ chế phát hành tiền pháp định này, sẽ tạo ra khá nhiều hệ quả như là lãi suất, tỷ giá, lạm phát, thâm hụt ngân sách,... Trong cơ chế trên, ngoài NHTW là 0 đồng ra, chúng ta thấy rằng NHTM cũng là những tổ chức 0 đồng và chính hệ thống NHTM thông qua cơ chế nhận gửi/cho vay, đã biến từ 1000$ tiền giấy ban đầu thành 10.000$ tiền cho nền kinh tế. Điều thú vị là... pháp luật nhà nước cho phép họ được làm như thế. Một đặc quyền mà pháp luật trao cho tư nhân, các ông chủ ngân hàng.

Ví dụ như FED, Cục dự trữ liên bang Mỹ, tuy đóng vai trò là NHTW của nước Mỹ, nhưng bản chất FED được thành lập bởi 12 ngân hàng dự trữ liên bang, đặt trụ sở tại 12 thành phố khắp nước Mỹ. Và 12 ngân hàng dự trữ liên bang này được sở hữu bởi các ngân hàng thành viên là các ngân hàng tư nhân. Và luật pháp cũng cho phép FED được quyền hoạt động và đưa ra các chính sách độc lập với chính phủ Mỹ. Và có rất nhiều thuyết âm mưu nói về giới tài phiệt tài chính mới thực sự là ông chủ thao túng toàn bộ nền kinh tế.

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Điều gì xảy ra khi chi 81 tỷ đồng mua trọn bộ số Vietlott?

Xổ số Vietlott có hai điểm khác biệt quan trọng so với vé số truyền thống, đó là được phép chọn số theo ý muốn và giải thưởng đặc biệt được tích luỹ qua các kỳ nếu không có người trúng giải. Hai điểm khác biệt này tạo cơ hội cho người chơi vé số có thể mua hết tất cả các con số dự thưởng và tổng giá trị các giải thưởng có thể cao hơn số tiền bỏ ra để mua toàn bộ các con số.

Vậy thì trong trường hợp nào, người chơi mua hết toàn bộ các số dự thưởng của Vietlott sẽ có lời?




Xổ số Vietlott mở thưởng theo nguyên tắc quay số ngẫu nhiên để chọn ra giải đặc biệt gồm 6 con số (không trùng nhau và không phân biệt thứ tự) từ 45 con số (Từ 01 đến 45). Do đó, tạo ra 8.145.060 bộ 6 con số dự thưởng. VD: "03 08 12 16 26 30" là một bộ 6 số dự thưởng.

Để tính ra kết quả 8,1 triệu bộ số này là một bài toán xác suất khá phổ biến. Đề toán thường có dạng: có bao nhiêu cách chọn 6 con số không trùng nhau và không phân biệt thứ tự từ 45 con số khác nhau. Kết quả của bài toán này, toán học gọi là tổ hợp chập 6 của 45, ký hiệu là C6/45.

Còn trong Excel thì gõ hàm =combin(45;6). Có thể gõ vào ô tìm kiếm của google "45 choose 6". Google cũng sẽ tính cho ta kết quả.

Nếu người chơi mua 1 bộ 6 số duy nhất, thì cơ hội trúng giải là 1/8.145.060 lần! Vậy nếu mua hết 8,1 triệu bộ số thì sao? Tức nhiên là chắc chắn 100% sẽ trúng giải đặc biệt. Ngoài ra còn trúng luôn 234 giải nhất, 11.115 giải nhì và 182.780 giải ba.

Mỗi vé mua 1 bộ 6 số Vietlott có giá là 10.000đ. Mua hết 8,1 triệu vé thì tốn tổng cộng 81.450.600.000đ (81,45 tỷ đồng). Vậy chi 81,45 tỷ đồng mua toàn bộ số của Vietlott thì sẽ trúng được bao nhiêu tiền?

Sau đây là tổng giá trị trúng thưởng khi mua hết 8,1 triệu số Vietlott: 
(1) 182.780 giải ba, giá trị 30.000đ/giải. Tổng: 5.483.400.000đ
(2) 11.115 giải nhì, giá trị 300.000đ/giải. Tổng 3.334.500.000đ
(3) 234 giải nhất, giá trị 10.000.000đ/giải. Tổng 2.340.000.000đ
(4) 1 giải đặc biệt, giá trị = (4a) Giải đặc biệt của kỳ mở thưởng trước + (4b) Giá trị tích luỹ của kỳ mở thưởng hiện tại.

Quy định của Vietlott là trích ra 55% doanh thu bán vé để trả thưởng. Gọi là: (5) Quỹ trả thưởng kỳ hiện tại = 55% × Doanh thu bán vé.
Và: (4b) Giá trị tích luỹ của kỳ mở thưởng hiện tại = (5) Quỹ trả thưởng kỳ hiện tại - Các giải cố định (nhất + nhì + ba)

Như vậy, nếu bỏ ra 81,45 tỷ đồng mua hết các con số mà muốn hoà vốn thì tổng giá trị trúng thưởng tối thiếu phải đạt tối thiểu 90.500.666.667đ. Vì phải đóng thuế thu nhập cá nhân 10% trên tổng giá trị trúng thưởng. Ta sẽ có điều kiện sau:
(1) + (2) + (3) + (4) ≥ 90.500.666.667đ
<=> (1) + (2) + (3) + (4a) + (4b) ≥ 90.500.666.667đ

Trong đó, (1) (2) và (3) ta đã có số cụ thể, còn (4b) được tính từ doanh thu bán vé, tức là 81,4 tỷ đồng mua hết bộ số. 
(4b) = (5) - [(1) + (2) + (3)] = 81.450.600.000đ × 55% - 11.157.900.000đ = 33. 639.930.000đ

Như vậy chỉ còn (4a). Giải bất phương trình trên, ta sẽ có kết quả:
(4a) Giải đặc biệt của kỳ mở thưởng trước  45.702.836.667đ
(đây cũng chính là số tiền hay được treo trước các điểm bán vé Vietlott, ghi là giải đặc biệt ước tính).

Như vậy, nếu giải đặc biệt của kỳ mở thưởng trước đó tích luỹ đến mức tối thiểu 45,7 tỷ đồng, thì người mua hết 8,1 triệu bộ số Vietlott sẽ có tổng giá trị trúng giải tối thiểu là 90.500.666.667đ. Sau khi trừ thuế TNCN thì vừa đủ hoà vốn.

Nhưng, để trường hợp này có thể xảy ra như dự định, cần phải có hai điều kiện quan trọng. Vì trong thực tế, sẽ có rất nhiều người cùng mua vé số Vietlott. Hai điều kiện đó là: 
1. Không có người khác cùng trúng giải đặc biệt. Vì khi có nhiều người trúng giải đặc biệt, giải thưởng sẽ được chia đều cho các người trúng. Lúc này tổng giá trị giải thưởng sẽ thấp hơn 90,5 tỷ đồng và lỗ vốn.
2. Giá trị các giải nhất, nhì, ba phải do những người chơi khác trúng phải thấp hơn tổng số tiền mà họ đã mua. Để đảm bảo giá trị giải đặc biệt sẽ tối thiểu bằng với con số dự tính ở trên.

Khi hai điều kiện này đảm bảo, thì tổng giá trị trúng thưởng của người mua hết 8,1 triệu bộ số có thể không những hoà vốn mà còn có lời từ số tiền tích luỹ thêm của những người mua vé số khác.

Hiện nay, doanh thu bán vé của mỗi kỳ mở thưởng Vietlott đã đạt được mức gần 60 tỷ đồng cho những kỳ mở thưởng đầu tiên với giải đặc biệt tối thiểu 12 tỷ đồng. Và con số doanh thu này càng tăng nhiều hơn khi giải thưởng Vietlott được tích luỹ thêm. Nên mức giải đặc biệt tích luỹ 45,7 tỷ ồng sẽ chỉ mất khoảng 3-4 kỳ mở thưởng là có thể đạt được.

Và lời cuối cùng, chúc các bạn thành công khi dám đầu tư mạo hiểm theo hình thức này! ;)

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Bạn có thực sự hiểu biết cơ bản về tài chính?

Phần lớn mọi người trên thế giới đều không biết cách quản lý tài chính, hay nói gọn hơn là không biết cách quản lý tiền của họ. Nhận định trên có được là dựa trên một kết quả nghiên cứu vừa được công bố gần đây của 2 nhà kinh tế học: Annamaria Lusardi và Olivia Mitchell.

Hai ông thực hiện một cuộc khảo sát ở nhiều nước trên thế giới với 3 câu hỏi cơ bản về tài chính. Kết quả nhận được là khá tệ:

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Năm tuổi thì có gặp xui rủi?

Hôm rồi đọc báo, thấy có vụ xe bus chạy ẩu, ép 1 người đi bộ vô rào chắn công trình chỗ góc Lê Thị Hồng Gấm - Calmete dẫn đến tử vong.

Để ý thấy nạn nhân xấu số này 60 tuổi. Tính ra là ông này sinh năm 1954, nếu không phải sinh vào tháng 1 & tháng 2 thì tính theo tuổi Âm lịch, ông này có thể tuổi Giáp Ngọ, năm nay là vừa tròn Lục Thập Hoa Giáp, đúng ngay năm tuổi. Người tin vào tướng số thì nói năm tuổi là phạm thái tuế, nên xui lắm. Mà nhắc tới năm tuổi, mình lại nhớ tới ông Phạm Quý Ngọ, cũng sinh năm 1954, vừa vào Giêng cái là ngủm luôn! Hay như vụ Bầu Kiên bị bắt năm 2012 Nhâm Thìn, ông này sinh năm 1964 Giáp Thìn, cũng đúng y bon năm tuổi! Ack ack...

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Phiên giao dịch quan trọng 12/02/2014: TTCK VN sẽ tiếp tục tăng hay đảo chiều?

Như ngày hôm qua đã nhận định, phiên giao dịch ngày 11/02/2014 đã lập kỷ lục thanh khoản mới với 170,8 triệu CP (giao dịch khớp lệnh), phá vỡ kỷ lục gần đây ngày 21/11/2013 với 169,3 triệu CP. Điểm thú vị trong phiên giao dịch ngày hôm qua là chỉ trong vòng 15 phút cuối trước khi bước vào đợt ATC thì bỗng dưng thị trường quay đầu giảm mạnh cùng với lượng bán xối xả. Từ đang tăng 4 điểm, VNINDEX quay ngược giảm 1 điểm và kết thúc đợt ATC, VNINDEX đóng cửa giảm 2 điểm.

VNINDEX 12/02/2014
Tính từ 31/12/2013 đến nay, VNINDEX đã gần như tăng thẳng đứng từ 504,63 lên 553,9, tăng 9.76%! Trong khi đó, thị trường ở các nước mới nổi (Emerging Market) thì đang diễn biến ngược lại, giảm thê thảm và có dấu hiệu rút vốn hàng loạt của các quỹ đầu tư toàn cầu. VN thì hiện vẫn đang được các công ty xếp hạng tín nhiệm đánh giá là thuộc nhóm thị trường cận biên (Frontier Market), cộng với cơ chế quản lý dòng vốn đầu tư gián tiếp FII của VN khác so với các nước thuộc nhóm Emerging Market như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi... Nên không biết là làn sóng tháo chạy này rồi sẽ lan tới VN hay không? Một điểm nữa là trong thời gian các nước khác giảm thê thảm thì thị trường ở ta đang... nghỉ tết.

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Nhìn lại thanh khoản 13 năm qua của TTCK Việt Nam

Tính đến thời điểm những ngày cuối năm 2013 này, TTCK VN đã đi vào hoạt động được gần 13 năm. Trong 13 năm qua, giai đoạn những năm 2006-2008 được xem là thời kỳ phát triển sôi nổi nhất của thị trường. Thời điểm đó, hai từ "chứng khoán" có lẽ được nhắc nhiều nhất trong nền kinh tế, cũng giống như hai từ "khủng hoảng" được nhắc đi nhắc lại trong suốt thời gian gần đây.

Nhiều người có cảm giác hay suy nghĩ rằng thời kỳ những năm 2006-2008 mới là thời kỳ hưng thịnh của chứng khoán. Còn giai đoạn hiện nay là thời kỳ thoái trào. Để có cái nhìn chuẩn xác hơn về vấn đề này, tôi đã thống kê lại lịch sử giao dịch và niêm yết của TTCK VN trong 13 năm hoạt động. Hi vọng là mang lại một cái nhìn toàn cảnh hơn cho mọi người.

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Mushroom Cloud và Earthrise

Những ngày gần đây các trang tin tức khoa học thế giới đăng đi đăng lại tấm ảnh chụp Trái đất từ ngoài vũ trụ, một quả cầu xanh lơ lửng giữa màn đen thăm thẳm trong không gian. Bức ảnh này được đặt tên là Earthrise, do các phi hành gia trên tàu Apollo 8 đang trên quỹ đạo bay quanh Mặt trăng chụp được đúng dịp Giáng sinh 24/12/1968. Nên giờ cứ hễ đên Giáng sinh là người ta lại cùng nhau kỷ niệm ngày chụp được bức ảnh này.

Một bức ảnh chụp từ ngoài vũ trụ như thế hiện nay không còn quá xa lạ với hầu hết mọi người trên thế giới. Thế tại sao nó lại nổi tiếng đến vậy?

Đại hội đồng cổ đông và Đại hội cổ đông - Dùng sao cho đúng?


Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Còn Đại hội cổ đông là cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông. Một cái là gọi tên của cơ quan, một cái là gọi tên của cuộc họp. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao nhiều công ty cứ gọi là Đại hội đồng cổ đông thường niên, nhập nhằng lẫn lộn 2 cái khái niệm này. Đáng lẽ phải gọi là Đại hội cổ đông thường niên hoặc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên thì mới đúng.

Đại hội đồng cổ đông là từ ghép bởi các yếu tố: Đại + Hội đồng + Cổ đông. Có nghĩa là một cơ quan lớn tập hợp những người sở hữu cổ phần của công ty.

Còn Đại hội cổ đông là từ ghép: Đại hội + Cổ đông. Có nghĩa là cuộc hội họp lớn những người sở hữu cổ phần của công ty.

Trong Luật Doanh nghiệp có định nghĩa từ Đại hội đồng cổ đông, nhưng không có định nghĩa từ Đại hội cổ đông. Chỉ có quy định về cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông được tổ chức như thế nào. Chắc có lẽ vì lí do này mà nhiều người nhầm lẫn trong cách gọi, hiểu Đại hội đồng cổ đông là ghép bởi Đại hội + đồng + cổ đông. Đâm ra dùng lung tung.

Mà mấy công ty nhỏ dùng sai không nói, nhiều công ty cổ phần lớn, tiếng tăm vẫn cứ dùng sai. Mà cái sai dùng nhiều rồi sẽ bị tưởng nhầm là cái đúng. Lúc đó rồi sẽ chẳng phân biệt được đâu là đúng sai thật sự.Thật là một điều tai hại!

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Tu đến mức nào thì giác ngộ?

Một câu chuyện về Phật giáo vô cùng phổ biến mà có lẽ bất kỳ ai học Phật cũng đều được nghe qua đó là chuyện bàn về Đức Phật tu khổ hạnh dưới gốc cây bao năm mà vẫn chưa ngộ đạo. Đến cảnh thập tử nhất sinh, Đức Phật mới thấy rằng con đường tu khổ hạnh thế này chẳng thể nào giải thoát được. Rồi ông từ bỏ phép tu khổ hạnh, trở lại ăn uống bình thường. Sau đó ông đến ngồi dưới gốc cây bồ đề tiếp tục suy ngẫm và lập thề nguyện, cho dù thịt nát xương tan, nếu chưa giác ngộ, ông sẽ không bao giờ rời khỏi gốc cây. Nhưng lần ngồi suy ngẫm này khác trước, ông chỉ thiền định và tập trung suy ngẫm về con đường giải thoát chứ không tu khổ hạnh, đẩy thân xác đến sự ức chế cao độ nữa. Sau 49 ngày nhập định, cuối cùng Đức Phật cũng đã đạt được cảnh giới giác ngộ.

Cứ mỗi lần suy ngẫm về câu chuyện trên, trong đầu mình lại nảy sinh 2 câu hỏi thường trực. Tu như thế nào mới là đúng, thế nào là sai? Tu đến thế nào mới gọi là giác ngộ? Ví như chuyện luyện công phu võ thuật, còn biết luyện đúng sẽ phát huy công lực, luyện sai sẽ dẫn tới tẩu hoả nhập ma. Đạt cảnh giới tối thượng thì thấy được tay không chém sắt như chém bùn, còn không đạt thì đánh thấy hình không thấy sức. Thế thì đối với việc tu hành, thế nào mới là phải đây?

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

File excel quản lý danh mục đầu tư chứng khoán


Download: Duck Portfolio - v1.07 -> Bấm vào đây!



Thông báo quan trọng:

Chào các bạn,

File này mình làm cũng cách đây vài/nhiều năm, cũng đã lâu không có chỉnh sửa và cập nhật các lỗi của file. Vì 2 lí do, (1) là phần mềm giao dịch online của các CTCK hiện nay đều có tính năng quản lý danh mục, nên KH cá nhân không cần phải nhập excel để theo dõi, (2) mình cũng bận cơm áo gạo tiền nên không có nhiều thời gian.

Hiện giờ file chỉ bị một lỗi quan trọng là không cập nhật được giá mới nhất, lí do đường link lấy dữ liệu giá từ bảng điện tử của FPTS đã mất.

Có nhiều bạn email hỏi xin mình file và nhờ mình chỉ cách thiết kế một file tương tự. Mình sẵn sàng chia sẻ file unprotect và các kỹ thuật excel sử dụng trong file. Với một điều kiện nho nhỏ. Thay vì chia sẻ file một cách miễn phí, mình muốn dành một phần công sức đó cho những nơi cần đến, và cũng muốn khi các bạn bỏ chi phí ra để nhận được file, các bạn sẽ có quyết tâm sử dụng nó một cách hiệu quả hơn.

Để nhận file unprotect và những chia sẻ kiến thức từ mình: 
Các bạn chỉ cần trả phí bằng cách quyên góp cho Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao của nhà báo Trần Đăng Tuấn.

Mức quyên góp tuỳ lòng hảo tâm của các bạn.

Sau khi quyên góp xong, các bạn vui lòng chụp lại thông tin thanh toán, nhớ để chế độ hiện danh khi thanh toán và ghi rõ ngày giờ thanh toán. Mình sẽ check danh sách quyên góp trên website của Quỹ. Đúng thông tin bạn đã quyên góp, mình sẽ gửi file unprotect cho bạn. Và sẽ chia sẻ thêm cho bạn những thắc mắc liên quan về kỹ thuật excel nếu bạn muốn làm file giống như vậy.

Về Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao là gì, thông điệp sứ mệnh như thế nào, các bạn vui lòng tham khảo thêm ở website của họ: http://tnvc.vn/

Trên website của họ có hướng dẫn cách quyên góp, còn không thì các bạn có thể tham khảo nhanh 2 cách bên dưới:

Cách quyên góp:

Cách 1: Vào link dưới đây, thanh toán bằng Paypal hoặc thẻ thanh toán quốc tế như VISA, MASTERCARD, JCB...
http://tnvc.vn/donation/tk-chuyen-den-2016/donation-form.html

Cách 2: Chuyển khoản vào tài khoản tại Vietcombank của Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao
Số tài khoản: 0611001917137
Tên chủ tài khoản: QUY TRO NGHEO VUNG CAO
Ngân hàng: Vietcombank, chi nhánh Ba Đình, Hà Nội
(SWIFT Code: BFTVVNVX061)

Hi vọng có thể cùng chia sẻ với các bạn về kỹ năng excel và giúp ích phần nào cho Quỹ TNVC!

Thông tin liên hệ:
Nguyễn Việt Thắng
nguyenvietthang0@gmail.com

**************


Thông tin cập nhật các phiên bản:

Phiên bản 1.07: (11/11/2013)
1. Điều chỉnh theo chu kỳ thanh toán 9h00 ngày T+3.
2. Sửa lỗi không cập nhật được giá đóng cửa HNX.


Phiên bản 1.06: (16/04/2012) Cập nhật thêm những tính năng sau
1. Tự động xuất hiện thông báo khi có phiên bản cập nhật mới.
2. Điều chỉnh lại phương pháp lấy giá tạm tính sàn HNX (do HNX lấy giá bình quân vào 15ph cuối): trong giờ giao dịch lấy giá cuối, sau giờ giao dịch lấy giá bình quân.

Phiên bản 1.05: Cập nhật thêm những tính năng sau
1. Hai chế độ định dạng Number: Phân cách thập phân là dấu [.] hoặc dấu [,].

Phiên bản 1.04: Cập nhật thêm những tính năng sau
1. Thay đổi nguồn cập nhật giá realtime.
2. Đặt tên Danh mục theo ý muốn.
3. CK niêm yết sàn HNX, giá tạm tính là giá bình quân. CK niêm yết sàn HOSE, giá tạm tính là giá cuối.
4. CK không có giao dịch, lấy giá tham chiếu làm giá tạm tính.

Phiên bản 1.03:
1. Quản lý danh mục: số lượng chứng khoán đã mua/bán, lãi/lỗ tạm thời, lãi/lỗ hiện thực, thống kê tổng đầu tư, dòng tiền vào/ra tài khoản.
2. Giá CK cập nhật realtime qua internet, mỗi 5ph/lần.
3. Tuỳ chỉnh phí giao dịch với 4 bậc phí. Phí giao dịch tính trên tổng giao dịch trong ngày.
4. Tuỳ chỉnh thuế TNCN.

File excel này do mình tự thiết kế, bạn nào có nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm có thể trao đổi với mình qua email: nguyenvietthang0@gmail.com. Hoặc để lại comment tại bài viết này ;)